Lê-nin viết: chủ nghĩa Mác đã ra đời ở nước Nga trong đau thương. Chủ nghĩa Mác đã ra đời ở nước ta như thế nào? Cách đây vừa tròn một nửa thế kỷ, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, chỉ sau ít tháng trở về bên cạnh Tổ quốc Việt Nam, tại Quảng Châu, với niềm tin và vui mà ít ai trên đời này thông cảm hết, đã ghi lại trong tài liệu lịch sử ký tên Người đề ngày 19-2-1925: “Tôi đã lập một nhóm bí mật gồm 9 hội viên”, trong đó “có 5 người đã là đảng viên dự bị của Đảng Cộng sản..., 2 đoàn viên dự bị của Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin”(1). Đây là cái mầm đầu tiên của tổ chức cộng sản Việt Nam. Xin phép tạm lấy ngày tháng còn ghi trong tài liệu đó để tính mốc khởi điểm cho sự diệu kỳ: nhân tố của mọi nhân tố thắng lợi đã bén rễ tươi rói vào dân tộc và quê hương.
(1) Thư báo cáo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản ngày 19-2-1925.
19-2-1925 — 3-2-1930
Cả một thời kỳ thai nghén, mang nặng, đẻ đau, đã quyết định tính chất và vai trò của Đảng, hướng đi lên chính xác của đất nước, cái kiên và cái cường của phong trào, độ vững và sức bật của dân tộc và mỗi con người. Lúc này đây, đang có một sự khao khát trở về nguồn để bồi dưỡng cho mình sức mạnh đi tới, khi đến lượt chúng ta đây vươn cao lên để giải quyết tổng hợp những nhiệm vụ nặng nề và rộng lớn của thời kỳ mới, trực tiếp thực hiện những điều mơ ước - vì nó mà sống và chết - của những người cộng sản Việt Nam thuộc lớp đầu tiên.
Xin kể chuyện đơn sơ về thời dựng Đảng, một phác thảo với những tư liệu gần như để nguyên chất mộc. Người viết không dám làm văn và càng không phải là làm sử. Dựa vào những điều mà khoa học lịch sử Đảng đã nghiên cứu được, lại được sự chỉ đạo và giúp đỡ đầy tinh thần trách nhiệm của một số đồng chí cách mạng lão thành, trong điều kiện năng lực và thời giờ có hạn, tập hợp, đối chiếu và rút lại những nguồn tư liệu từ nhiều phía khác nhau, với tinh thần của tin yêu và khám phá, chỉ xin thử sống lại những sự kiện lớn và nhỏ của một thời cần nhớ lắm. Sống với giác quan của người phóng viên, bị hấp dẫn trước hết bởi cái thật, cái ý nghĩa, cái cụ thể; vừa bị cuốn hút theo, vừa cố gắng bắt mạch nó, cái bước chân đi thật khỏe của lịch sử. Năm năm vĩ đại, 5 năm chuyển thế nước để Đảng ra đời. Cách mạng Việt Nam trải qua một thời kỳ mà bất cứ cuộc cách mạng nước nào cũng phải làm như thế: lấy thế giới quan của giai cấp vô sản làm công cụ quan sát vận mệnh nước nhà, suy nghĩ lại những vấn đề của mình. Dưới ánh bình minh của chủ nghĩa mới, một giai cấp xốc tới soi hồn nước, chuyển thế nước và xoay vận nước. Giai cấp công nhân Việt Nam ta đó, rất non trẻ về tuổi, nhưng tràn đầy dũng khí sáng tạo, và, đối với nguyên lý Mác - Lê-nin, quả là có một sự giác ngộ thần đồng.
Như đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định Đảng ta là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước trong những năm 20 của thế kỷ XX, ngay từ đầu, Đảng ta đã mang trong mình bản chất cách mạng và khoa học là hai thuộc tính căn bản nhất của một Đảng Mác - Lê-nin. Bản chất đó ngày càng phát triển cùng với cuộc sống chiến đấu sôi nổi, phong phú và không ngừng đi lên của giai cấp công nhân và dân tộc ta được thể hiện cụ thể và sinh động trong mỗi chặng đường cách mạng. Lịch sử xanh tươi cụ thể và sinh động, tự nó toát lên tinh thần đó.
Đội tiên phong của giai cấp chúng ta đâu có sinh ra trong nôi ấm, giường êm. Ngay từ những ngày trứng nước, Đảng đã nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử. Nhưng sao mà cảm thấy một cái gì náo nức như mở hội trong đời. Chủ nghĩa cộng sản vốn là thanh xuân. Càng thanh xuân bởi vì năm 1925, Bác của chúng ta mới 35 tuổi; phần lớn tuyệt đối trong 211 người cộng sản đầu tiên(1) đều mới bước vào tuổi đôi mươi, mười bảy. Tuổi “nghe nói đến cách mạng là muốn nhảy, muốn bay” như đồng chí Lê Duẩn đã tâm sự với thanh niên ta lúc bắt đầu đánh Mỹ. Những khuôn mặt 1925 - 1930 mà chúng ta đã từng được hiểu qua từng gương chiến đấu cá nhân, càng ánh lên nét tinh thần mới, gắn bó với tập thể, với tổ chức, với phong trào, trước khúc rẽ của lịch sử. Với độ sáng tinh thần trong suốt, đội cận vệ già của chúng ta, ngày ấy, vượt qua mọi hạn chế của lịch sử, trong đấu tranh gan góc, đã tiêu biểu cho một kiểu người Việt Nam trẻ mới nhất. Họ chinh phục bằng cái đúng và cái mới của trí tuệ họ, bằng cả cái đẹp của tâm hồn họ. Càng muốn hút lòng ta ánh nước trong nguồn từ cái thuở bình minh trong như lọc ấy, khi dòng sông giờ đây đã cuồn cuộn khỏe, băng núi bang rừng, chở nặng phù sa, chảy qua bến bờ làm xanh tươi cuộc sống, tránh sao khỏi có khúc nổi lên váng đục, củi mục trôi và rác rưởi. Tấm lòng “vô sản”, như thời bấy giờ hay nói, là sống “mình vì mọi người” cao nhất. Nhưng, cộng sản không phải chỉ có tấm lòng. Đối với lớp người vạch đường lối, dựng tổ chức và nhen phong trào, cộng sản là ở cái đầu trước hết.
(1) Xem dự thảo Lịch sử phong trào Cộng sản Đông Dương của Hồng Thế Kông, 1933.
Cái chí của họ: nghiêng vai đẩy cả một chế độ, và từ thuở đó sớm nhận ra sự cần thiết xây dựng một cách chính xác, khoa học, một động lực thật sự cách mạng đẩy cả xã hội tiến lên. Ngay từ trong trứng, Đảng đã biết tìm sức mạnh trong câu nói của Lê-nin, mà Nguyễn Ái Quốc đã ghi ngay trên trang bìa cuốn Đường kách mệnh: “Không có lý luận kách mệnh thì không có kách mệnh vận động...”. Ngay từ trong trứng, do say sưa nghiên cứu lý luận, do tiếp thu kinh nghiệm quốc tế đã được tổng kết, một bước trong thời đại bấy giờ, do cọ sát tư duy với thực tiễn đời sống và đấu tranh, và, trên hết, do niềm tin chắc nịch ở giai cấp mới ra đời, những người đầu tiên đã hiểu sâu sắc lòng đỏ của trứng là vấn đề tổ chức. “Ai nói cộng sản là nói tổ chức”. Vào khoảng những năm 1928, 1929, câu nói đó tự đâu mà ra, không biết, nhưng hết sức phổ biến. Người cách mạng gặp nhau chỉ bàn chuyện đó và thời ấy, đã bàn là đùng đùng quyết và làm.
Nhưng, điều rõ nhất là Đảng của chúng ta không thể nào không mạnh được, vì Đảng sinh ra đúng là trong hùng khí của một cao trào quần chúng mãnh liệt. Điều đặc biệt quan trọng - như nhận định của đồng chí Lê Duẩn - là Đảng ta đã sớm xác định được đúng phương pháp cách mạng. Khi khẳng định con đường cách mạng bạo lực tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng ta không quan niệm cách mạng bạo lực chỉ là xây dựng lực lượng quân sự tiến hành đấu tranh vũ trang. Muốn tiến tới khởi nghĩa vũ trang, ngay từ đầu Đảng rất coi trọng xây dựng “đội quân chính trị quần chúng” của cách mạng, dựa vào phong trào quần chúng từng bước xây dựng lực lượng vũ trang. Do đi đúng đường lối cách mạng bạo lực ấy mà Đảng ta, ra đời chưa bao lâu, đã phát động được một phong trào cách mạng sôi nổi của công nông khắp cả nước, những năm 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. Chúng ta thấy rất rõ những người cộng sản Việt Nam, thoạt giác ngộ là hăm hở lao vào quần chúng liền, đem đường lối mà mình tuyệt đối tin tưởng thâm nhập mạnh mẽ vào quần chúng giai cấp và nhân dân, xây dựng lực lượng cách mạng khắp cả nước, từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh. Ngay từ trong trứng, Đảng nhạy cảm và nắm đúng những nguyện vọng và yêu cầu cơ bản của nhân dân ta; biết giáo dục, tổ chức và động viên quần chúng nổi dậy tự mình thực hiện những yêu cầu ấy. Bởi vậy, dù phong trào bị dìm trong máu lửa, dù trong khủng bố trắng, đồng bào mình phải chịu đựng muôn vàn gian khổ, hy sinh, quần chúng - ngay từ cái thuở ban đầu không quên ấy - vẫn tin yêu và đi theo sự lãnh đạo của Đảng, tự trái tim mình, thừa nhận Đảng là con và người lãnh tụ tập thể. Sự gắn bó hai chiều ấy là di sản vĩ đại nhất mà thời dựng Đảng để lại, là sản phẩm quý báu nhất của hơn 80 năm lịch sử Đảng.
Và trên hết tất cả, chúng ta được gặp lại Bác ở ngọn nguồn bước ngoặt: lịch sử Việt Nam hiện đại giở sang trang mới hẳn. Với trình độ chung ngày nay, có lẽ chúng ta hiểu được hơn ý nghĩa sâu xa trong từng chi tiết còn nắm được về những công việc Bác đã làm khi nhen lửa. Ngay từ hồi đó, ở Bác đã hiện rõ những nét in sâu trong lòng nhân dân ta về Bác sau này. Chúng ta được thấy Nguyễn Ái Quốc đến với mỗi người cộng sản bình thường, ở cương vị đảng viên nguyên chất, làm công tác Đảng, thạo năm bước công tác. Bác nêu gương gây cơ sở, phát triển Đảng, lãnh đạo tổ chức, ra báo, viết tài liệu, mở lớp huấn luyện, giải quyết công việc nội bộ, theo dõi và tổng kết phong trào theo kiểu của Bác nữa, làm cả việc móc nối đường dây liên lạc và đưa đón cán bộ. Bác là bậc thầy về hoạt động bí mật. Chúng ta được biết Bác còn làm nhiều việc khác cho phong trào chung, Bác vẫn dành nhiều sức mình, dựa vào quan hệ rộng và uy tín lớn, gây dựng tiền đồ cho Đảng. Chính Bác đã làm thêm việc - làm phóng viên quốc tế - để lấy tiền nuôi đồng chí trẻ, nuôi cách mạng thời măng sữa. Bấy giờ Bác chăm từng người, Bác bồi dưỡng từng người, Bác trồng người trăm năm cho Đảng ta, cho dân tộc mới, cho nhân loại mới. Thưa Bác, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân. Bác vẫn cùng chúng cháu xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức, xây dựng phong trào. Trong chặng đường khó khăn hiện nay phải chăng Bác vẫn dặn dò chúng cháu: cách mạng đâu có phải là con đường phẳng lì, cách mạng có thắng lợi mà cũng có vấp váp, có thuận lợi mà cũng có khó khăn. Bác đã dạy chúng cháu phải có tinh thần lạc quan cách mạng và tin tưởng sắt đá ở thắng lợi cuối cùng. Trước khó khăn và phức tạp, bài học thời dựng Đảng của Bác đã chỉ cho chúng cháu: cán bộ phải đi sát dân, nêu cao phẩm chất đạo đức, sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn, làm người lãnh đạo mà cũng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Vinh dự và tự hào về thành phố được mang tên Bác, chúng cháu quyết tâm: Phát huy thế mạnh và khả năng của thành phố, phấn đấu để trong một tương lai không xa xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành một thành phố mạnh về mọi mặt, một thành phố xã hội chủ nghĩa có cơ cấu công - nông nghiệp hiện đại, có văn hóa, khoa học tiên tiến, một thành phố văn minh, hiện đại có tầm cỡ ở Đông Nam châu Á.
TÁC GIẢ