Ở Việt Nam, hoạt động trao đổi, mua bán đã diễn ra từ rất sớm. Truyền thuyết chỉ ra rằng, ngay từ buổi đầu dựng nước, đã có những người theo đuổi nghề buôn. Trải hàng ngàn năm, kể từ sau thời Bắc thuộc, tầng lớp thương nhân Việt Nam không ngừng vươn lên khẳng định vị trí trong đời sống xã hội, nhiều người đã tạo được dấu ấn tốt đẹp đối với chính quyền và trong quần chúng nhân dân. Không ít người đã trở thành tấm gương về đạo đức kinh doanh như chân thực trong sản xuất và mua bán; lấy chữ tín làm đầu trong lập thân, lập nghiệp; tinh thần yêu nước và độc lập dân tộc, tinh thần thiện nguyện giúp đỡ người hoạn nạn, khó khă Những giá trị được tạo nên từ tư tưởng và nghĩa cử của không ít thương gia vẫn được xem là những bài học để đời cho hậu thế. Tuy nhiên, xuất phát từ nhận thức của các đấng quân vương, của triều đình quân chủ, thân phận của tầng lớp thương nhân Việt Nam không mấy khi sáng sủa, không chỉ bị xếp vào hạng cuối cùng trong bậc thang xã hội “sĩ - nông - công - thương”, mà có khi còn phải hành nghề “bất hợp pháp”, phải hoạt động lén lút trước sự “ruồng bố” của chính quyền.
THƯƠNG NHÂN VIỆT NAM XƯA - VẤN ĐỀ, NHÂN VẬT VÀ GIAI THOẠI của Nguyễn Thanh Tuyền đề cập đến tầng lớp thương nhân từ thời lập quốc đến khi đất nước rơi vào tay thực dân Pháp, một khoảng thời gian khá dài, cả hàng ngàn năm, với biết bao thăng trầm cùng dân tộc. Cuốn sách đã phác họa được bức tranh chung với những nét chấm phá về “một số vấn đề xuyên suốt trong tiến trình vận động của tầng lớp thương nhân” Việt Nam, qua đó “khắc họa phần nào diện mạo của tầng lớp thương nhân” trong từng giai đoạn lịch sử với những vấn đề cốt yếu trong đời sống xã hội, cũng như câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của một số thương nhân tiêu biểu, để hiểu thêm về nghề, về đời mà họ phải lặn ngụp vươn lên. Cuối cùng, tác giả cũng đã khái quát tính cách của giới thương nhân xưa - tiền thân của đội ngũ doanh nhân ngày nay trong lịch sử dân tộc Việt Nam.