Dẫu là góc nhìn của một người Pháp, nhưng rõ ràng L. Roubaud đã có những nhận xét, đánh giá ở thời điểm đó với chủ kiến riêng, chứ không hoàn toàn bị chi phối bởi màu da hay tư tưởng mà người Pháp hiện diện ở Việt Nam và Đông Dương lấy làm cớ để thể hiện uy thế của kẻ thống trị. Điều đó giúp cho các nhân vật, sự kiện được ghi chép lại chân thực, sống động, thậm chí có những sự kiện ở chừng mực nào đó, góp phần lột trần bản chất đàn áp, bóc lột của chính thực dân Pháp như phần "Một ngàn năm trăm người im lặng", phần "Trừng phạt một làng"... Qua ghi chép của L. Roubaud, những người yêu nước chân chính như trường hợp Ký Con hiện lên với vẻ mặt bình thản trước kẻ thù, tươi cười lạc quan và mục đích "làm loạn" đánh đuổi Pháp rất rõ ràng dù ít cơ hội thành công: "Người ta phải khởi sự trước, rồi người khác tiếp tục. Chúng tôi không thành công, kẻ đến sau sẽ thành công"...