VIỆT NAM SỬ LUẬN GÓC NHÌN ĐA CHIỀU
Nghiên cứu về Việt Nam từ góc nhìn ngoại quốc là vấn đề không phải mới. Trước thế kỷ 18, người Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... đã quan tâm tìm hiểu và viết về Việt Nam, nhưng phần lớn đều chỉ dừng lại ở mức ghi chép và cảm nhận. Từ góc nhìn và phương pháp mới, người phương Tây đặc biệt là người Pháp, đã để lại cho chúng ta một số lượng tác phẩm nghiên cứu về Việt Nam đáng kể… Chúng ta quan tâm đến góc nhìn của người nước ngoài đối với Việt Nam không phải vì tất cả những ý kiến hay tư liệu ấy hoàn toàn đúng, mà bởi vì chúng ta cần những góc nhìn đa chiều. Trong đó, những tài liệu và góc nhìn từ bên ngoài giúp chúng ta có điều kiện phản tư, soi xét lại những luận cứ đã lập thành từ bấy lâu nay, để có điều kiện mở ra những hướng đi mới từ những suy nghĩ mới.
Trong giới nghiên cứu ở Đài Loan, Trung Quốc đại lục cũng như Hồng Kông, giáo sư Trịnh Vĩnh Thường là một chuyên gia nghiên cứu về lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, lịch sử nhà Minh, lịch sử người Hoa ở Đông Nam Á, lịch sử giao thương hàng hải Đông Á… Quyển sách mà quý vị đang cầm trên tay là tập hợp 7 bài viết của Giáo sư Trịnh Vĩnh Thường đã đăng trên các tạp chí nghiên cứu từ nhiều năm trước đây. Được sự đồng ý của tác giả, cũng chính là thầy dạy của người dịch khi còn học ở Đài Loan, người dịch đã tuyển chọn và trình bày những bài viết thành 2 chủ đề lớn là:
1. Vấn đề hải dương và giao thương
2. Quan hệ bang giao thế kỷ 18-19.
Với bảy bài viết có nội dung như trên, cuốn sách hứa hẹn sẽ mang lại cho chúng ta một cái nhìn tuy “cũ người” nhưng “mới ta”, làm phong phú thêm về mặt tư liệu và góc nhìn về lịch sử nước nhà.