Những hiện tượng “xé rào”, tiêu cực trong cuộc chạy đua tranh giành sinh viên và tình trạng hàng loạt ngành học phải đóng cửa ở nhiều trường đại học mới đây một lần nữa phơi bày tình trạng lộn xộn, thậm chí khủng hoảng trong giáo dục đại học, nhất là đại học ngoài công lập ở nước ta. Nói “một lần nữa” bởi trong nhiều năm qua, dư luận đã không ngớt lên tiếng yêu cầu cải cách phương pháp đào tạo, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học cũng như vấn đề tuyển sinh vào đại học..., trong đó chất lượng đào tạo là vấn đề nổi lên hàng đầu.
Làm thế nào để thoát ra khỏi tình trạng này, vươn lên sánh kịp các nước trong khu vực? Câu trả lời, theo tác giả Nguyễn Văn Tuấn trong cuốn sách Chất lượng giáo dục đại học nhìn từ góc độ hội nhập mới xuất bản là xây dựng và phát triển giáo dục đại học không thể đứng ngoài những chuẩn mực về giáo dục đại học đã được các nước tiên tiến thừa nhận từ lâu. Và như vậy, trên đường hội nhập với thế giới, cần thiết phải xem xét lại và thay đổi sao cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế từ quan niệm về đào tạo, các tiêu chuẩn về chất lượng dạy học, nghiên cứu khoa học, về hệ thống học hàm học vị cho đến nguồn cung cho đại học như tác giả đã đề cập trong bốn chương của cuốn sách (Về chất lượng đại học; Về học vị tiến sĩ; Về chức danh giáo sư; Về đầu vào đại học).
Được tuyển chọn từ những bài viết đã đăng rải rác trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tuổi Trẻ, Tia Sáng và một số tờ báo khác ở trong nước từ mười năm qua, cuốn sách tuy không mang hình thức một tác phẩm chuyên khảo, nhưng có thể thấy rằng tác giả đã có chủ ý phát biểu một cách sâu sắc và có hệ thống các nội dung liên quan đến chủ đề chất lượng giáo dục đại học. Bằng vốn hiểu biết rộng và kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu ở đại học New South Wales, Viện Nghiên cứu y khoa Garvan (Sydney, Úc) và một số trường đại học ở các nước,
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã cung cấp khá phong phú những thông tin căn bản và cập nhật về những vấn đề còn mơ hồ, gây nhiều tranh cãi ở trong nước, chẳng hạn như: danh xưng “tiến sĩ”, “viện sĩ” có nguồn gốc từ đâu và cách mà nhiều nước cấp bằng tiến sĩ khác ở ta thế nào; tiêu chuẩn chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; ý nghĩa và giá trị thực của một số cách xếp hạng đại học trên thế giới (ví dụ: cách xếp hạng của THES hoặc Đại học Giao thông Thượng Hải); tiêu chuẩn đề bạt chức danh giáo sư... Những quan niệm và cách làm của các đại học tiên tiến đã được sàng lọc, đúc kết qua hàng trăm năm lịch sử đáng cho ta tham khảo, vận dụng nghiêm túc nếu không muốn lạc ra khỏi dòng chảy thời toàn cầu hóa.
Nhưng có lẽ điểm đáng nói hơn nữa chính là sự quan tâm sâu sắc, là tâm huyết của một chuyên gia đang sống và làm việc ở nước ngoài đối với giáo dục đại học nước nhà thể hiện qua nỗ lực đi sâu tìm hiểu, ghi nhận những nét mới, tích cực đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót, bất cập trong giáo dục đại học hiện nay và đề xuất những biện pháp giải quyết trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm nước ngoài kết hợp với thực tiễn nước ta.
Điều đọng lại qua hơn ba trăm trang sách chính là sự kỳ vọng của tác giả vào việc cải cách giáo dục đại học ở nước ta theo mô hình Đại học Humboldt - Đức ra đời từ cách đây đúng 100 năm mà sau đó trở thành mô hình chuẩn của đại học trên thế giới. Mô hình này dựa trên tinh thần khai sáng của Immanuel Kant cùng tư tưởng tự do của Friedrich Schleiermacher, theo đó “đại học không chỉ là một trung tâm đào tạo nhân tài mà còn là một trung tâm khoa học và văn hóa, với tự do học thuật được xem là đặc điểm quan trọng nhất.”