Ở nước ta, giáo dục và khoa học là hai lĩnh vực được bàn luận nhiều nhất trên các diễn đàn báo chí và trong Quốc hội. Điều này dễ hiểu, vì bất cứ nước nào trong thời bình phải dành ưu tiên cho việc xây dựng một nền giáo dục, nhất là giáo dục đại học, hoàn chỉnh, và một nền giáo dục, nhất là giáo dục đại học, hoàn chỉnh, và một nền khoa học mạnh. Một nền giáo dục tốt và nội lực khoa học công nghệ cao là động lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, trong thực tế, hai lĩnh vực này ở nước ta lại có nhiều bất cập nhất. Những bất cập đó có thể kể đến vấn đề mô hình giáo dục đại học, tự chủ đại học, tự do học thuật, nghiên cứu khoa học, đào tạo tiến sĩ, thậm chí bổ nhiệm các chức vụ học thuật.
Cuốn sách bạn đang cầm trên tay là tập hợp những suy nghĩ, quan điểm, và tầm nhìn của tác giả về các vấn đề trên. Nội dung được chia làm 4 phần: Khoa học, đạo đức khoa học, xuất bản khoa học, và giáo dục. Đây không phải là một công trình nghiên cứu khoa học, mà chỉ là những ý kiến mang tính thảo luận của cá nhân tôi. Cũng có thể xem những ý kiến này mang tính “phản biện” và góp ý vào chính sách khoa học và giáo dục. Những quan điểm và tầm nhìn trong danh sách này thể hiện cũng là những trải nghiệm của một người đã có hơn 30 năm trong các đại học và kinh qua các môi trường khoa học phương Tây. Tôi không muốn áp đặt những quan điểm lên chính sách ở trong nước, mà chỉ muốn thuyết phục bạn đọc bằng những dữ liệu và kinh nghiệm thực tế. Những suy nghĩ được viết ra với tâm nguyện đóng góp một phần vào nỗ lực đổi mới và xây dựng một nền giáo dục đại học tốt hơn, và một nền khoa học đàng hoàng hơn.
Nước ta đang trong tiến trình hội nhập thế giới. Năm 2016, Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, và thời điểm này cũng đánh dấu một sự hòa nhập toàn diện nền kinh tế của 10 quốc gia trong vùng, trong đó dĩ nhiên có cả giáo dục và khoa học. Rồi sẽ đến một ngày các trường đại học và nhà khoa học Việt Nam cạnh tranh với các trường và đồng nghiệp ASEAN. Để có khả năng cạnh tranh tốt, chúng ta cần phải biết những qui ước khoa bảng, những tiêu chí trong khoa học đang được dùng ở các nước ngoài Việt Nam. Tôi tin rằng bạn đọc sẽ tìm thấy nhiều khác biệt và hiểu thêm những “luật chơi” khoa học quốc tế.
Nhiều ý kiến và quan điểm trong cuốn sách này đã được trình bàu trên các diễn đàn báo chí đại chúng và hội nghị trong nước. Nhân dịp này, tôi trân trọng cám ơn các bài Tuổi trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tuần Việt Nam, VNExpress, Sài Gòn Tiếp thị cũ, Ngày nay, Lao động, Sinh viên Việt Nam đã biên tập và công bố những bài viết của tôi hơn 10 năm qua. Tôi biết chắc rằng những dữ liệu trình bày trong sách, dù đã được xem xét cẩn thận về nguồn gốc, vẫn còn có sai sót hoặc thiếu sót. Do đó, tôi rất mừng nếu nhận được góp ý và bổ sung của bạn đọc
Bây giờ, tôi mời các bạn hãy cùng tôi trò chuyện về những vấn đề liên quan đến giáo dục và khoa học. Tôi tin rằng cuốn sách sẽ giúp cho các bạn, mượn cách nói của Tiên điền tiên sinh, Mua vui cũng được một vài trống canh.
Sydney, Mồng Ba Tết Bính Thân
(10-2-2016)
Nguyễn Văn Tuấn