Cuốn cẩm nang này không những dành cho học sinh, sinh viên mà còn cho cả các nhà quản trị và các giảng viên, để nhắc tất cả chúng ta nhớ về bản chất của việc nghiên cứu các chủ đề học thuật một cách có kỷ luật là gì. Cẩm nang không nhằm rút ra một hoạt động trí tuệ nào đó từ việc học - bởi lẽ điều đó hẳn sẽ là một sự sỉ nhục đối với trí tuệ của bạn đọc. Đúng hơn, cẩm nang góp phần làm cho hoạt động trí tuệ và sự học có chiều sâu trở nên có khả năng kiểm soát, thực tế và trực quan hơn. Mục tiêu của cẩm nang là cổ vũ việc học suốt đời và lý tưởng truyền thống về một tinh thần được giáo dục khai phóng: một tinh thần sẽ tra vấn, chứng minh và thông thạo mọi hình thức nhận thức đa dạng, bằng sự tự kiểm soát, sự bền bỉ trí tuệ và các công cụ học tập. Cẩm nang cũng tôn trọng như nhau các truyền thống của John Henry Newman, Bertrand Russell và Albert Einstein.
Cẩm nang không trả lời mọi câu hỏi, mà đúng hơn sẽ đặt mọi câu hỏi vào bên trong một viễn tượng rõ ràng. Cẩm nang nhấn mạnh rằng mọi lĩnh vực nghiên cứu nghiêm chỉnh sẽ chia sẻ những cấu trúc trí tuệ và những chuẩn mực chung về tính hợp lý; rằng những cấu trúc trí tuệ nền tảng và những chuẩn mực về tính hợp lý là có giá trị tự thân và xứng đáng để học một cách minh nhiên, vì chúng giúp ta nối kết và hiểu sâu hơn tất cả những gì ta học. Cẩm nang cũng nhấn mạnh những tâm thế trí tuệ nền tảng và những giá trị nền tảng đang xác định những nét đặc trưng của nhà tư duy có kỷ luật trong mọi lĩnh vực: sự tự trị trí tuệ, sự khiêm tốn trí tuệ, sự chính trực trí tuệ, sự bền bỉ trí tuệ, sự cảm thông trí tuệ, sự tin tưởng vào lý tính và tinh thần công bằng. Trên mỗi trang giấy, cẩm nang tôn vinh ý niệm và sức mạnh của hoạt động trí tuệ.
Cẩm nang khinh thị ý tưởng xem kiến thức như sự ghi nhớ từng mớ thông tin, hay như sự tích lũy đơn thuần rất nhiều tiết học hay chứng chỉ theo quy chế. Cẩm nang phản bác cả thuyết tuyệt đối giáo điều lẫn thuyết tương đối trí tuệ; đồng thời cảnh báo ta về nguy hiểm của sự vô tri và hiểu sai, và qua đó cảnh báo về nguy hiểm của sự tự huyễn hoặc và ảo tưởng trong các hoạt động của con người. Cẩm nang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt tương phản các bộ môn có những câu hỏi, nhìn chung, có thể trả lời theo những cách dứt khoát, với những bộ môn mà những câu hỏi của chúng đòi hỏi nhiều viễn tượng đa dạng, sự đặt mình vào vị trí của người khác và phán đoán có lý lẽ. Nói ngắn, cẩm nang phân biệt những môn học thuộc một hệ thống như vật lý học, hóa học và toán học (ở đó sự bất đồng giữa các chuyên gia đóng một vai trò nhỏ) với các môn học thuộc các hệ thống cạnh tranh nhau như lịch sử, tâm lý học và nghệ thuật (ở đó việc các chuyên gia bất đồng nhau đóng vai trò lớn).
Nếu thành công, cẩm nang này sẽ trở thành một nguồn tham khảo mà ta có thể quay trở lại với nó luôn mãi để giành được chiều sâu mới về ý nghĩa và sự hiểu biết. Điều đáng học thì đáng được học thật tốt, và không gì xứng đáng cho việc học hơn chính bản thân tiến trình học: sự phát triển, thông qua hoạt động trí tuệ có hệ thống của các nghệ thuật, các thói quen và các chiến lược của một tinh thần có KỶ LUẬT.