Với một lối tư duy sâu sắc đậm phần triết lý nhằm nối kết, tổng hợp xưa và nay, thần thoại và khoa học, dân gian và bác học, Đông và Tây, tác giả Nguyễn Hiếu Tín đã có những chiêm nghiệm, phát hiện, lý luận về những thành tố trong văn học cổ xưa của dân tộc với một góc nhìn văn hóa đầy chất nhân văn đem đến cho người đọc nhiều cảm nhận thích thú qua tác phẩm “Cóc linh tuệ giác”.
Việc tìm hiểu, giải mã những câu chuyện của tiền nhân để đi đến chân lý là một quá trình tích lũy mà sự chọn lựa những thành tố có tính chất bình dân và rất quen thuộc trong cuốn sách tuy có phần ngẫu nhiên nhưng lại rất tinh tế, hiện thực.
Có thể thấy đó là những hình tượng văn học xen kẽ hình tượng mỹ thuật và cả hình tượng văn hóa dân gian mà chỉ cần ai đó nhắc đến là ta đã hình dung ra các nét khôi hài cũng như trang trọng của nó. Sự kết hợp các hình tượng này đem đến những suy tư nhiều chiều khi khám phá trong những cái tưởng như là “tầm thường” thậm chí “ngô nghê” nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt như các bài thơ về con cóc.
Những ý nghĩa thâm thúy hoặc đời thường hoặc nhân văn từ những câu chuyện, bài ca dao của người xưa hòa quyện trong cuộc sống và luôn mang tính thời sự, tính hiện đại mà sự phát hiện ra nó là rất đáng trân trọng. Đó là một hướng nhìn tích cực bởi xã hội xưa và xã hội Việt Nam nay vẫn cùng chung một văn hóa trong thẳm sâu tâm hồn.
Xin trân trọng giới thiệu với độc giả gần xa tác phẩm thú vị này để cùng với tác giả của nó tiếp tục chiêm nghiệm, khám phá.