Chính Sách Tôn Giáo Thời Tự Đức (1848-1883)
Chính sách tôn giáo dưới triều Nguyễn, đặc biệt dưới thời Tự Đức là giai đoạn để lại những dấu ấn sâu sắc, có vị trí quan trọng trong chính sách đối với tôn giáo thời phong kiến ở Việt Nam. Có thể nói, triều Nguyễn thực sự làm chủ và hoàn thiện chế độ trong khoảng bốn triều vua đầu. Những đường hướng chính của chính sách quản lý xã hội nói chung, chính sách tôn giáo nói riêng của triều Nguyễn đã cơ bản được hình thành và phát triển ở giai đoạn này.
Thời Tự Đức là tâm điểm đáng chú ý nhất khi nghiên cứu về chính sách tôn giáo triều Nguyễn, đây là giai đoạn hết sức phức tạp, triều đình phải đối phó với thực dân phương Tây cũng như tôn giáo do họ mang tới. Nghiên cứu chính sách tôn giáo dưới thời Tự Đức sẽ góp phần làm sáng tỏ câu hỏi dưới triều vua này đã giải quyết vấn đề tôn giáo như thế nào, đâu là những cố gắng cần ghi nhận và nguyên nhân nào dẫn đến những thất bại trong chính sách tôn giáo, những hệ quả xã hội và những bài học kinh nghiệm cần rút ra.
Những năm gần đây, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trở nên đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Tuy nhiên, vấn đề tôn giáo ở nước ta vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, có lúc và có nơi trở thành điểm nóng. Thực tiễn sôi động đó đòi hỏi nhận thức về tôn giáo phải luôn đổi mới cho phù hợp với thời đại. Vì vậy, việc nhìn nhận và đánh giá lại những tác động và ảnh hưởng của chính sách tôn giáo thời Tự Đức dưới cái nhìn đổi mới để hiểu được một phần lịch sử của chính sách tôn giáo, những kinh nghiệm và bài học từ chính sách đó đối với cuộc sống hôm nay là một việc làm cần thiết.
Từ đó, cuốn “CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO THỜI TỰ ĐỨC (1848-1883)” ra đời như là một sự bổ sung cần thiết cho việc bổ sung, cải cách những chính sách tôn giáo để áp dụng với đương thời.