Trong phần 2, tác giả tiếp tục chia sẻ về chợ Bến Thành – một biểu tượng quá quen thuộc tưởng chừng như ai cũng biết nhưng vẫn có những thứ khiến ta bất ngờ. Ví như, ít ai biết rằng từng có những chiếc cầu đi bộ được dựng lên ngay trước cổng Nam của chợ. Hoặc, ít ai có thể hình dung được nơi đây từng có những bến xe hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm.
Kể hết chuyện Bến Thành, tác giả lại dắt bạn dạo quanh những trục đường chính của trung tâm Sài Gòn để kể về chuyện đời của chúng. Có lẽ bạn đọc sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, nhiều “cung đường vàng” đắt đỏ bậc nhất của Sài Gòn ngày nay đã từng là những kênh rạch ngoằn nghèo vào những buổi sơ khai.
Điểm đặc biệt ở cuốn sách này là tác giả đã dành phần lớn không gian để chia sẻ về kiến trúc hiện đại miền Nam – một sự sáng tạo mang dấu ấn riêng của người Việt vốn được các kiến trúc sư thế giới khen ngợi – nhưng ngày nay đã bị lãng quên. Cù Mai Công đã rất tâm huyết khi cất công đi từng ngôi nhà, từng căn biệt thự tiêu biểu của phong cách này để chọn ra giới thiệu với bạn đọc.
Thông qua ngôn ngữ kiến trúc được trình bày một cách dễ hiểu, chúng ta có thể cảm nhận được tinh thần dân tộc của những vị kiến trúc sư người Việt đã cố gắng bản địa hóa kiến trúc như thế nào, không chỉ về mặt mỹ thuật mà còn về công năng sử dụng sao cho phù hợp với tình hình khí hậu đặc trưng của vùng nhiệt đới. Hơn hết, qua góc nhìn sâu sắc của tác giả, bạn đọc có thể cảm nhận được mỗi ngôi nhà không chỉ là khối bê tông khô cứng mà phía sau còn có cả những câu chuyện buồn vui của những chủ nhân, những gia đình đã từng sống tại nơi đây.
Một điểm đặc biệt và quý giá của cuốn sách là những hình ảnh quý hiếm cùng những câu chuyện có thật được cung cấp bởi chính gia đình những vị kiến trúc sư tài ba xưa kia, những người đã tạo nên một thời kỳ rực rỡ của kiến trúc hiện đại miền Nam.