Khâm Thiên Giám Triều Nguyễn Giai Đoạn 1802-1883
Khâm thiên giám - một cơ quan chuyên môn nằm trong bộ máy nhà nước triều Nguyễn, đã từng được nhắc đến trong các ghi chép của các sử thần đương thời, cũng như được đề cập một cách sơ lược trong một số ít công trình nghiên cứu gần đây của một vài học giả. Cho tới hiện nay Khâm thiên giám về căn bản vẫn còn khá xa lạ với những người quan tâm tìm hiểu về triều Nguyễn nói riêng và độc giả nói chung. Thậm chí, nếu không có sự tiếp cận với một khảo cứu chuyên sâu về Khâm thiên giám, thì tên gọi của cơ quan này cũng không mang lại cho người ta bất kì một sự hình dung cụ thể nào về chức năng của nó.
Trong khi đó, đây lại là một trong những cơ quan quan trọng nhất thể hiện cho nền khoa học, mà cụ thể ở đây là thiên văn học, lịch pháp, khí tượng thủy văn của người Việt ở giai đoạn thế kỉ XIX. Không những biểu hiện chức năng khoa học, Khâm thiên giám còn có tác động to lớn ở phương diện xã hội, khi kết quả từ việc biên soạn lịch pháp, quan trắc thiên văn, thiên tượng, suy tính ngày giờ, phong thủy, địa lí của cơ quan này có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi hoạt động của hoàng đế, triều đình cũng như công việc sản xuất nông nghiệp và mọi lễ nghi ngoài dân gian.
Trước đây, những tài liệu về cơ quan này vẫn còn rất tản mạn trong một vài bộ sử lớn do Quốc sứ quán triều Nguyễn biên soạn hay chỉ sơ lược trong các tác phẩm của một vài nhà nghiên cứu. Nhưng đến nay, với cách nghiên cứu rất mới cùng các tài liệu lịch sử hiếm được sưu tầm, tác giả đã ra mắt cuốn “KHÂM THIÊN GIÁM TRIỀU NGUYỄN GIAI ĐOẠN 1802-1863” để độc giả có thêm tư liệu để tìm hiểu thêm về hệ thống cơ quan đặc biệt này.