Trong số các tỉnh thành ở Việt Nam, ít có nơi nào mà những biến đổi về hành chính, dân cư, văn hóa lại diễn ra một cách phức tạp, xếp chồng nhiều lớp lên nhau như ở Hà Nội, từ hàng nghìn năm trước cho đến tận ngày hôm nay. Thế nhưng, bất chấp lịch sử bề bộn đó, cũng ít nơi nào mà người ta lại quan tâm đến "căn tính" của một thành phố đến vậy: gốc Hà Nội là gì, người Hà Nội là như thế nào? Đối với Nguyễn Ngọc Tiến, Hà Nội đã không còn xa lạ, nếu không muốn nói đã "nhẵn mặt" trong các trang viết của ông. Nhưng mỗi lần đi, thấy và viết về Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến luôn gợi mở những góc nhin rất mới, rất lạ và thú vị. Trong cuốn sách lần này, Làng làng phố phố Hà Nội, đó là hình ảnh một thành phố vừa quê mùa, cổ kính với các lễ hội, các làng nghề truyền thống, vừa hiện đại, phồn hoa khi từng là kinh đô của các triều đại phong kiến, là thủ phủ của Liên bang Đông dương thuôc Pháp, và là thủ đô của nước Việt Nam hôm nay. Làng và phố vừa tương phản với nhau, song song tồn tại làm nên diện mạo rất đặc biệt của Hà Nội, mà nếu thiếu đi một, hoặc nếu cố tình loại bổ một, thì đó không còn là Hà Nội.