Lê Triều Chiếu Lệnh Thiện Chính
Để tìm hiểu, nghiên cứu về luật pháp, lễ nghi của một triều đại phong kiến, người ta thường nhắc đến những bộ Hội điển. Từ thời Lê Trung Hưng cho đến khi thời Tây Sơn, các luật lệ của nước ta cũng được ghi chép dưới hình thức Hội điển trong pho sách; hiện nay còn di lưu có thể kể đến ba bộ sách: Quốc triều chiếu lệnh thiện chính, Quốc triều thiện chính tập và Quốc triều thiện chính tập tục biên (còn gọi là Quốc triều Hội điển và Tục Hội điển), Chính Hòa chiếu thư.
Lê triều chiếu lệnh thiện chính là ấn phẩm được Trường Luật Sài Gòn phiên dịch từ bản chép tay số A. 257 cuốn Quốc triều chiếu lệnh thiện chính của Trường Viễn Đông Bác Cổ – một tài liệu được coi như đầy đủ và đáng tin hơn cả về các điều lệ dưới triều Lê Trung Hưng. Cuốn sách ghi chép các chiếu lệnh ban hành trong thời gian 1619-1705, phân loại làm 7 quyển theo thẩm quyền của 6 bộ đương thời, trong mỗi quyển trình bày theo thứ tự niên hiệu của các triều vua:
- Quyển Nhất: Chiếu lệnh thuộc về bộ Lại
- Quyển Nhì: Chiếu lệnh thuộc về bộ Hộ
- Quyển Ba: Chiếu lệnh thuộc về bộ Lễ (phần nhất)
- Quyển Tư: Chiếu lệnh thuộc về bộ Lễ (phần nhì)
- Quyển Năm: Chiếu lệnh thuộc về bộ Binh
- Quyển Sáu: Chiếu lệnh thuộc về bộ Hình
- Quyển Bảy: Chiếu lệnh thuộc về bộ Công
Tuy nhiên, cũng chính vì tài liệu của liệu của Trường Viễn Đông Bác Cổ chỉ là một tài liệu chép tay, không sao tránh được các sự xuyễn mậu; cho nên cuốn sách đã được in kèm cả bản chữ Hán để tiện cho bạn đọc kê cứu, góp ý bổ sung cho những điểm khiếm khuyết.
Có thể nói, Lê triều chiếu lệnh thiện chính là một pho sách mà tài liệu phong phú và phiên tạp như một quyển hội điển. Cuốn sách trình bày các chiếu lệnh, những giải pháp mà nhà cầm quyền đương thời đã áp dụng cho tất cả các hoạt động xã hội, kinh tế và chính trị của quốc gia, phản chiếu tình trạng của dân tộc dưới mọi khía cạnh trong một thời gian non một thế kỷ.