Lịch sử trung đại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn thế kỷ XVII - XVIII là mảng đề tài không mới, đã được giới sử học tìm tòi, nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Trong điều kiện lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam, vấn đề này, cho đến nay, vẫn còn nguyên tính thời sự. Việc nhìn nhận lại từng sự kiện trong bối cảnh Nam - Bắc phân tranh, vua Lê - chúa Trịnh cùng nhau nắm quyền ở Đàng Ngoài, cũng như về nguồn tư liệu, các công trình nghiên cứu, các nhận thức khoa học về vấn đề quen thuộc nhưng phức tạp này, xét thấy là rất cần thiết.
Trên tinh thần đó, Nhà xuất bản Khoa học xã hội phối hợp với MaiHaBooks và Viện Sử học tái bản bộ sách Lịch triều tạp kỷ do Ngô Cao Lãng cùng Xiển Trai biên soạn và bổ sung. Đến tận ngày hôm nay, bộ sách vẫn giữ vẹn nguyên giá trị của một bộ tư sử được ghi chép cẩn thận, nghiêm túc và công phu, tiếp nối cho kho Việt sử tục biên nằm trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Không chỉ có những giá trị sâu sắc về mặt lịch sử, Lịch triều tạp kỷ còn là một nguồn tư liệu quý giá về khía cạnh văn học, bổ sung thêm những hiểu biết về văn học trung đại Việt Nam thông qua những mô tả chi tiết về nghệ thuật xướng họa thơ ca cung đình đặc sắc cùng sự chuộng Nôm, sành Nôm của các chúa Trịnh để đề cao vai trò của chữ Nôm trong xã hội đương thời.
Có điểm lưu ý là, công trình đã được tiến hành biên dịch từ những năm 70 của thế kỷ XX trở về trước, nên nhiều địa danh và địa bàn nghiên cứu được đề cập đến nay sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính đã đổi khác. Việc khảo sát để xác minh các địa danh này là việc làm rất phức tạp mà chúng tôi chưa thực hiện được…. Do vậy, chúng tôi xin được giữ nguyên những địa danh của lần xuất bản trước. Một điều đặc biệt trong lần tái bản này, đó là, cùng với bản dịch tác phẩm, chúng tôi in kèm theo nguyên bản chữ Hán. Đây là sự khác biệt so với các lần xuất bản trước đây.
Quá trình xuất bản bộ sách chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi rất mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ và ý kiến đóng góp của độc giả để hoàn thiện cuốn sách trong những lần xuất bản sau.