Opusculum de Sectis apud Sinenses et Tunkinenses (Luận về các phái của người Trung Hoa và Đàng ngoài) của nhà truyền giáo người Italy Adriano di St. Thecla được viết ở Đàng ngoài (Bắc Việt nam) vào năm 1750, người đã trải qua gần 30 năm sống ở miền Bắc Việt Nam vào thế kỷ 18. Đây là một tư liệu xa xưa và độc đáo. Cuốn sách này đề cập đến tình trạng tôn giáo ở Đàng ngoài và một phần ở Trung Hoa, qua cái nhìn của một nhà truyền giáo Dòng Augustine chân đất.
Olga Dror (người dịch tác phẩm sang tiếng Anh) đã phát hiện tư liệu này trong Thư khố Hội Truyền giáo Hải ngoại ở Paris khi đang tìm tài liệu về tín ngưỡng Chúa Liễu Hạnh, một đề tài luận án mà Bà đang thực hiện. Trong cuốn sách này, tư liệu mà Bà đã tìm được làm thay đổi toàn bộ tiến trình thực hiện luận án của mình. Cuốn sách thu hút Bà đến nỗi không thể không đọc tiếp toàn bộ nó và xác quyết rằng tác phẩm này cần phải được phổ biến rộng rãi tới giới chuyên gia quan tâm đến Việt nam, Trung Hoa, và hoạt động truyền giáo. Vì vậy mà Bà đã ngừng luận án về Liễu Hạnh của mình để tập trung vào tư liệu này nhằm đưa nó ra ánh sáng sau khoảng 250 năm bị lãng quên.
Thế kỷ 18 là một thế kỷ định mệnh đặc biệt đối với đời sống chính trị và các dân tộc về đức tin, tín ngưỡng và cách mạng. Vào khoảng giữa thế kỷ này, khá nhiều nhà truyền giáo châu Âu đã rải khắp một vòng cung rộng lớn trên những địa bàn cư trú lâu đời từ Trung Hoa, Philippines, Nhật Bản, đến Việt Nam; và đã tạo ra được một diễn trình giao thoa văn hóa trong từ vựng của các dân tộc ở châu Âu và châu Á; tạo ra một loạt các văn bản, bản dịch, chú giải, bản đồ, sách biên niên, tư liệu tiền dân tộc học, được ấn hành tại chỗ ở châu Á và số khác được lưu hành rộng rãi ở châu Âu.
Trong số các thành viên của dòng Augustine chân đất hoạt động ở Đàng ngoài, có ít nhất 3 người đã viết sách về thực hành tín ngưỡng ở Trung Hoa và Việt Nam, trong đó có Đức cha Adriano Di ST. Thecla.
Adriano Di St. Thecla đặt tiêu đề cho công trình của mình là Opusculum de Sectis apud Sinenses et Tunkinenses (luận về các phái ở người trung hoa và Đàng ngoài) có lẽ là để chuẩn bị cho độc giả của mình làm quen với thực hành tôn giáo ở Trung Hoa và Việt Nam. Tác phẩm này bao gồm mọi tín ngưỡng đương thời mà Adriano Di St. Thecla biết đến, gồm 6 chương: Khổng giáo, Thần linh, Phái Tuật sĩ (tức Đạo giáo), Bói toán, Phật giáo, và Ki-tô giáo. Chương cuối cùng viết về Ki-tô giáo chưa hoàn tất thì đột ngột chấm dứt.
Mặc dù trong tác phẩm này đưa ra rất nhiều dẫn chứng đề cập đến Trung Hoa, nhưng trong thực tế ông lại trình bày rất nhiều đặc trưng của Việt Nam. Vì việc “Trung Hoa hóa” nền văn hóa Việt Nam của ông không phải là điều bất thường và điều này không có nghĩa ông chỉ đơn giản xem Việt Nam như là một phần của Trung Hoa, một quan điểm chi phối nhiều công trình nghiên cứu ở thế kỷ 19 – và các học giả ở thế kỷ 20.
Tác phẩm là một mô tả về đức tin và thực hành tôn giáo mang tính hệ thống đầu tiên được biết đến ở Đàng ngoài, hay thực ra là ở Việt Nam nói chung. Nó cung cấp một cuộc khảo sát mang tính cảnh báo thông qua cách nhìn và tư duy của một người châu Âu có học ở thế kỷ 18 với cách tiếp cận khoáng đạt. Mặc dù ông cũng không thoát khỏi những định kiến và chịu ảnh hưởng bởi các khái niệm ăn sâu trong các tác phẩm của những vị tiền bối và những người cùng thời với ông, nhưng ông vẫn vượt xa những thái độ thông thường đương thời.
Ông cũng kiên quyết tham gia tích cực trong việc thay đổi bức tranh tôn giáo ở Việt Nam. Ông hiểu rằng để đạt được điều này ông phải nghiên cứu một cách toàn diện, thâm nhập sâu vào tư duy và thực hành tôn giáo ở Việt Nam. Theo quan điểm của Olga Dror, xét từ Opusculum, ông đã rất cố gắng và đã thành công trong việc làm tất cả những gì có thể với tư cách một người Âu trong hoàn cảnh và mục tiêu của mình. Ông xem Khổng giáo, Đạo giáo, và Phật giáo là “những phái” chứ không phải “những tôn giáo”, mặc dù cách gọi này có thể được giải thích là cách gọi giảm nhẹ kiểu tu từ đối với các đức tin tôn giáo phi Ki-tô giáo, nhưng nó cũng thể hiện một cái nhìn mang tính phân tích nào đó về bức tranh đa dạng về những nghi lễ tôn giáo.