Vào tháng 12 năm 2017, tuyển tập truyện ngắn Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lô của Diệp Thạch Đào – nhà văn, nhà phê bình và nghiên cứu văn học nổi tiếng, được coi là “ngọn hải đăng của văn học Đài Loan” – được xuất bản và giới thiệu với độc giả Việt Nam. Tiếp nối tinh thần tăng cường giao lưu văn hoá – giáo dục, đồng thời đáp ứng nhu cầu của độc giả trong nước, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm trân trọng giới thiệu ấn bản Lược sử văn học Đài Loan – một công trình lớn của Diệp Thạch Đào.
Cuốn sách được xuất bản với sự hợp tác giữa Nhà xuất bản Đại học Sư phạm với Sở Văn hoá thành phố Đài Nam và Khoa Văn học Trung Quốc – Trường Đại học Quốc lập Thành Công (Đài Loan).
Để bạn đọc thuận lợi hơn khi tiếp nhận nội dung cuốn sách, chúng tôi xin được trình bày một số điểm như sau:
– Thứ nhất, việc xuất bản cuốn sách nhằm mục đích chính là phục vụ công tác nghiên cứu văn học. Nội dung của cuốn sách thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phản ánh quan điểm của Nhà xuất bản Đại học
Sư phạm và cũng không phản ánh quan điểm của người dịch, người hiệu đính và người giới thiệu. Do vậy, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm tôn trọng nội dung toàn vẹn của tác phẩm. Tuy nhiên, một số đoạn, câu, từ ngữ trong bài viết của tác giả có liên quan đến việc phân tích, bình luận, đánh giá một số cá nhân, sự kiện lịch sử, sự kiện văn học mà chúng tôi chưa đủ điều kiện kiểm chứng, chúng tôi xin phép được lược bỏ và ghi chú trong sách là []. Chúng tôi rất mong người thân của tác giả, các dịch giả và
độc giả rộng lòng thông cảm.
– Thứ hai, một số chữ viết tắt và kí hiệu trong sách này với nghĩa đầy đủ như sau: ND – Người dịch, [] – phần nội dung lược dịch. Để thuận tiện cho độc giả khi đọc sách, đồng thời tôn trọng nguyên bản, những chú thích của người dịch, chúng tôi dùng kí hiệu * và có ghi chú (ND) phía cuối chú thích; còn những chú thích của tác giả được đánh số thứ tự tăng dần theo từng chương.
– Thứ ba, cuốn sách được tác giả viết đăng tạp chí trong các năm 1983 – 1985 và xuất bản thành sách năm 1987 nên các khoảng thời gian được viết trong sách như: “những năm 30”, “những năm 40”, “những năm 50”, “những năm 60”, “những năm 70”, “những năm 80” đều thuộc thế kỉ XX. Chúng tôi vẫn giữ cách viết như trong nguyên bản của tác giả mà không thêm phụ chú “thuộc thế kỉ XX” vào sau những con số đó.
– Thứ tư, để thuận tiện cho độc giả trong việc tìm tòi, tra cứu khi đọc sách, chúng tôi xin phép lựa chọn một số thuật ngữ, tên một số tác giả, tên một số tác phẩm, tên một số báo/tạp chí/tập san, xuất hiện trong cuốn sách để lập Index và trình bày ở cuối phần nội dung của sách.
– Thứ năm, để giúp cho cho độc giả, đặc biệt là giới nghiên cứu văn học có thêm tài liệu tra cứu về lịch sử văn học Đài Loan, chúng tôi in nguyên bản Phụ lục niên biểu văn học Đài Loan ở cuối sách.
Nhân dịp ấn bản tiếng Việt này được hoàn thành và ra mắt, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm xin chân thành cảm ơn Giáo sư Trần Ích Nguyên, nhà nghiên cứu văn học, văn hoá có uy tín của Đài Loan với sự tận tuỵ, nhiệt thành trong việc phổ biến văn học Việt Nam với thế giới, đã kết nối và phát triển mối quan hệ giao lưu văn hoá và hợp tác xuất bản ngày càng hiệu quả; trân trọng cảm ơn Ngài Diệp Trạch Sơn – Giám đốc Sở Văn hoá thành phố Đài Nam (Đài Loan) đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho sự hợp tác dịch thuật và xuất bản được hoàn thành; đặc biệt biết ơn các dịch giả: cố PGS.TS. Phạm Tú Châu, TS. Trần Hải Yến, TS. Bùi Thiên Thai, TS. Lê Xuân Khai; trân trọng cảm ơn GS.TS.NGND. Trần Đình Sử, TS. Nguyễn Thị Diệu Linh và các cá nhân khác đã cống hiến công sức, trí tuệ trong việc viết lời giới thiệu, hiệu đính và góp nhiều ý kiến quý báu cho việc hoàn thiện cuốn sách này.