Châu bản triều Nguyễn là những văn bản hành chính do các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương dưới triều Nguyễn soạn thảo và thông qua hoàng đế “ngự lãm”, “ngự phê” bằng mực son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết những vấn đề về đối nội, đối ngoại.
Bút tích của các vị vua triều Nguyễn để lại trên Châu bản đã song hành với lịch sử 143 năm của triều Nguyễn (1802 – 1945). Đây được coi như một “bộ sưu tập thư pháp thảo thư” – một trong những đặc trưng độc đáo về tính xác thực của Châu bản, bởi do chính các hoàng đế triều Nguyễn phê duyệt trực tiếp trên văn bản với những nét chữ hành thảo khoáng đạt, đạt đến tính thẩm mĩ cao trong lối thể hiện thư pháp của người xưa.
Nhằm giới thiệu đến độc giả những hình thức ngự phê của các vua triều Nguyễn, góp phần cung cấp thêm thông tin về tư tưởng chỉ đạo của các hoàng đế thời kì đó, cũng như cách thức phê duyệt văn bản trong chế độ văn thư triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) tổ chức biên soạn và xuất bản sách Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn
(1802 – 1945).
Trong sách Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn (1802 – 1945) này, chúng tôi giới thiệu 181 phiên bản tiêu biểu được lựa chọn từ 773 tập Châu bản gốc để giới thiệu với độc giả các hình thức ngự phê phong phú, độc đáo trên văn bản hành chính của mười trong số mười ba vị vua triều Nguyễn. Nội dung các văn bản phản ánh về mọi mặt của xã hội Việt Nam (1802 – 1945), đặc biệt vào giai đoạn triều Nguyễn còn là một vương triều độc lập (1802 – 1884). Từ năm 1884 đến năm 1945, nhà Nguyễn mất thực quyền và Việt Nam rơi vào vòng đô hộ của thực dân Pháp. Bởi vậy, ngự phê của các vua nhà Nguyễn trên Châu bản trong giai đoạn này không phong phú, đa dạng về hình thức và nội dung như các đời vua trước.
Bố cục cuốn sách được chia làm ba phần:
– Phần thứ nhất, giới thiệu khái lược về Châu bản và cách phê duyệt văn bản của các vua triều Nguyễn.
– Phần thứ hai, giới thiệu Ngự phê của các vua triều Nguyễn. Trong đó, các vua triều Nguyễn được giới thiệu tên thật, ngày sinh, ngày (năm) lên ngôi, thời gian trị vì, ngày mất, miếu hiệu. Các phiên bản Châu bản được sắp xếp theo niên hiệu các triều vua trị vì, và trình bày theo thứ tự: phiên bản tài liệu; trích yếu nội dung; thời gian, nội dung ngự phê; kí hiệu tra tìm. Trong phần trích yếu nội dung, chúng tôi tập trung giới thiệu các thông tin về người hay cơ quan đứng tên của văn bản và lược dịch, tóm tắt thông tin nội dung tài liệu. Phần nội dung ngự phê gồm: nguyên bản chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa.
– Phần thứ ba gồm Danh mục văn bản và Sách dẫn nhân danh – địa danh.
Việc biên dịch những từ ngữ về địa danh, chức danh nhân sự trong văn bản được sử dụng theo cách gọi của thời kì đó như: phủ Thăng Hoa 升華府, doanh Quảng Nam 廣南營, Thái y viện 太醫院, Thượng thư 尚書, Tham biện 參辨, Biện lí 辨理. Đối với tên riêng người nước ngoài như: Khâm sứ Đại thần Châtel, Khâm sứ Đại thần Hector, Toàn quyền Đại thần Pasquier..., chúng tôi dịch theo nguyên danh. Một số trường hợp chưa tìm hiểu được nguyên danh, chúng tôi dịch theo phiên âm Hán Việt. Những tên riêng nước ngoài mà tên gọi Hán Việt hoá đã trở thành phổ biến như: Anh, Pháp, Mỹ, Nga,... thì bản dịch không quy về nguyên danh. Cách tính thời gian được giữ nguyên như trong tài liệu, nhưng có chú thích thêm năm dương lịch, ví dụ: năm Gia Long thứ 17 (1818).
Do tài liệu là các văn bản hành chính sử dụng văn phạm cổ, đồng thời ngự phê của các vua triều Nguyễn đều viết theo lối hành thảo và nguồn tài liệu còn chưa đầy đủ, nên trong quá trình biên soạn không tránh khỏi những thiếu sót, ban biên soạn hi vọng nhận được sự đóng góp chân thành từ phía bạn đọc.
Cuốn sách Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn (1802 – 1945) được hoàn thành với sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu, trong đó có TS. Phạm Văn Ánh, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn, TS. Nguyễn Thanh Tùng, đặc biệt là ThS.NCS. Đinh Thanh Hiếu – người đã hiệu đính bản thảo và viết lời giới thiệu cho cuốn sách. Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn.