Tài liệu cơ bản mà Lê Quý Đôn sử dụng để biên soạn Phủ biên tạp lục, ngoài các sách sử ký, địa chí, còn là các văn bản hành chính, thuế khóa, ruộng đất, binh chế, học chế, thơ văn dưới các đời chúa Nguyễn. Ông còn sử dụng tư liệu nhân chứng sống của các viên chức cũ và ông đã trực tiếp đi thực tế tìm hiểu địa thế, di tích, thu thập tư liệu mọi mặt.
Bản dịch bổ chính Phủ biên tạp lục của nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh được MaiHaBooks tái bản lần này đã đóng góp vào việc hoàn thiện một danh sách làng xã, thôn ấp, phường giáp, trang trại thuộc các tổng, huyện, phủ của 2 xứ Thuận Hóa và Quảng Nam vào cuối thời chúa Nguyễn; cung cấp những hiểu biết xác đáng về các làng nghề, các địa phương tại Đàng Trong; đính chính những sai lầm về địa danh của các bản dịch trước đây. Điều đó góp phần phát huy hiệu quả sử dụng của Phủ biên tạp lục.
Đặc biệt, trong lần tái bản này, MaiHaBooks đã bổ sung nội dung bản chữ Hán Phủ biên tạp lục được lưu trữ tại Centre National de la recherche scientifique – Paris (Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học – Paris), ký hiệu lưu trữ là: 8453-6. Microfilme le 1175, có đóng dấu tên Henri Maspéro (có lẽ đây là bản mà Henri Maspéro cho tiến hành sao chép đầu thế kỷ XX khi nghiên cứu về miền Trung Việt Nam nên có đóng dấu của ông). Đây là bản Phủ biên tạp lục đầy đủ gồm 6 quyển, với đủ các chương mục, trong đó ở cuối quyển 1 có bản danh sách tên, số lượng phủ, huyện, tổng, xã, thôn, trang, trại ở hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.
Với những nội dung đã điều chỉnh, bổ sung, MaiHaBooks hi vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc những tài liệu hữu ích phục vụ việc tìm hiểu, nghiên cứu vùng đất Đàng Trong, đặc biệt là xứ Thuận Hoá và Quảng Nam vào cuối thời chúa Nguyễn.