Đèn không hắt bóng là tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của Wanatabe Dzunichi – vừa là nhà văn vừa là Tiến sĩ Y khoa. Nhiều thế hệ thuộc lòng tiểu thuyết độc đáo này, bởi không khí xám bạc dịu dàng đặc trưng của Nhật Bản, bởi sự dằn vặt muôn thuở trước sự sống và cái chết, sự song hành giữa tình yêu và cô độc.
Tinh hoa văn học của nhân loại nào cũng cần được khám phá và tái khám phá. Mỗi tác phẩm lớn là một sự kỳ diệu và mỗi lần ta tìm đến là thực hiện những cuộc phiêu lưu hoan lạc. Đến với tiểu thuyết Đèn Không Hắt Bóng là chúng ta đang bước vào cánh cửa thứ nhất của Tủ sách tinh hoa văn học - cánh cửa với những tác phẩm được dịch trọn vẹn và giới thiệu cả tác giả lẫn tác phẩm trong bối cảnh văn hoá với những đặc điểm thiết yếu - cánh cửa Kiệt Tác. Tiểu thuyết Đèn Không Hắt Bóng là tác phẩm nổi tiếng nhất của Watanabe Dzunuchi được viết trong giai đoạn khoảng năm 1971.
Đèn Không Hắt Bóng không đơn thuần kể về đời sống bệnh viện. Nhìn ở góc độ khác, nó là câu chuyện tình yêu lạnh lùng, bí ẩn và đau đớn. Mối quan hệ giữa Noriko và bác sĩ Naoê phải chăng là tình yêu một chiều? Đứng bên cạnh vị bác sĩ tài hoa, hình ảnh của Noriko khá lặng lẽ. Yêu Naoê, tự nguyện gắn bó với anh, cô vẫn phải chứng kiến hàng loạt mối quan hệ bất thường của Naoê với những phụ nữ khác, từ vợ và con gái của bác sĩ viện trưởng, cô gái quán bar, cho đến nàng ca sĩ ngôi sao… Nhưng đau khổ hơn hết, cô nhận ra Naoê là một pháo đài riêng, không cho cô thâm nhập, ngay cả những giây phút gần gũi nhất cả về thân xác lẫn tình cảm.
Chỉ đến khi Naoê mất đi, bức màn bí mật mới được vén lên. Giữa bao nhiêu phụ nữ vây quanh, Naoê chỉ yêu một mình Noriko. Cô chính là mảnh gương cuộc đời để anh soi vào, là chỗ bấu víu duy nhất trong những cơn đau đớn tuyệt vọng vì cái chết gần kề… Nhưng vì kiêu hãnh và xót thương, anh không bao giờ phơi bày sự thật với cô. Tình yêu bền bỉ của Noriko đã được đền đáp, dù muộn màng…