Với “Ngày mai của những ngày mai”, gọi là tản văn cũng được, truyện cũng được, gọi ghi chép của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trên con đường tìm kiếm những vẻ đẹp lấp lánh giữa bao khắc nghiệt của đời sống, cũng không sai chút nào. Đó là những con người mong muốn “đối diện cuộc đời, để chiến đấu bảo vệ cái đẹp” (“Giá của một gương mặt”), là người mẹ ngẫm nghĩ về những “câu trả lời bao dung nhất, ít đau đớn nhất” cho cậu con trai đang ở độ tuổi thắc mắc đủ thứ chuyện trên đời (“Món nợ không thể đòi”), là ông già cố “giữ một nếp nhà, giữ phong tục cũ; giữ cho cái sân bông rực rỡ, lung linh trong ký ức của những đứa trẻ xa nhà” (“Hạt gửi mùa sau”), hoặc có khi chỉ là biểu tượng “cái giỏ đồ ít ỏi [nhưng] oằn trĩu niềm lo nghĩ, nỗi thương yêu” (“Tần ngần giữa chợ”).
Với lối viết dung dị, trong tập sách này, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã biến cái riêng - thân phận của kẻ sống, bao gồm cả người kể chuyện và người đọc - thành tiếng nói chung cùng, đồng điệu. Vì lẽ đó, ai cũng thấy bản thân dự phần vào câu chuyện, để hiểu mình, hiểu người, nhìn thấy chính mình ở người.