Phạm Công Thiện (1941 - 2011) là một triết gia, nhà văn, nhà thơ, học giả xuất chúng ở Việt Nam. Ông được người đời coi là thần đồng triết học, một thiên tài văn chương và là một hiện tượng lạ xuất hiện trong văn nghệ vào thập niên 1960 ở Sài Gòn.
Tập thơ Ngày Sanh Của Rắn được xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Nắng, Paris năm 1966. Cùng năm đó, tập thơ đã được chỉnh sửa và in lần thứ hai tại nhà xuất bản An Tiêm, chính thức được xuất bản lần đầu tiên ở Sài Gòn, và tập thơ đã biến mất biệt tích ngay sau đó chừng một thời gian ngắn. Tác giả đã lãnh đạm từ chối không cho tái bản trong vòng 22 năm nay.
Ngày Sanh Của Rắn là tập thơ chỉ gồm mười hai bài thơ với lối viết tự do phóng khoáng, tên nhan đề tập thơ được lấy cảm hứng từ năm sinh của Phạm Công Thiện, ông sinh vào năm tuổi Rắn. Tập thơ đầu tiên của ông trong toàn bộ sự nghiệp văn chương đồ sộ mang đậm một cá tính lạ lùng, độc đáo, thể hiện cái tôi độc bản và dị thường, bản năng như chính cái đẹp và sự thở cô độc lặng lẽ của loài rắn: “tôi chạy lên trời làm rắn thâu đêm”.
Ý tưởng và cảm hứng thơ tinh tế với sự tri cảm mông lung, kỳ quái và khó nắm bắt. Thơ ông giữ trọn hết cái ngông nghênh, ngạo nghễ mà không kém sự say mê cuộc sống đến độ cuồng điên. Ngày Sanh Của Rắn bộc lộ phong cách nghệ thuật kỳ lạ, tư tưởng triết lý vô cùng phóng khoáng và sự yêu chuộng tuyệt đối cái tự do. Ngôn từ đậm màu sắc siêu thực, không bị câu thúc trong những nguyên tắc hình thức thơ lối truyên thống. Thực vậy, đó là phong cách thơ rất khác thường của Phạm Công Thiện, cũng là phong cách sống thực sự khác thường của ông. Ông đã sống cuộc đời tự do phiêu bạt trọn một niềm say sưa không toan tính ràng buộc bản thân với điều gì khác ngoài tư tưởng triết học - văn chương, cũng như ông đã viết văn, làm thơ với niềm say sưa không lối thoát như thế, như chỉ để “chờ đợi điên và chờ đợi chết”.
- Trích Lời giới thiệu