HÃY NGƯỚC MẮT LÊN DÙ CHỈ MỘT LẦN
Con người, trong lịch sử của mình, đã trải qua quá nhiều tội lỗi, quá nhiều thất bại, quá nhiều sự nản lòng. Trong lúc con người rơi vào bóng tối của tuyệt vọng thì Cái Đẹp xuất hiện. Giống như ta đang đứng trên một vùng đất hoang vu, bao quanh là bóng đêm bất tận và ta không sao tìm được con đường. Bóng tối vây kín và bủa vây khắp nơi, đùn từ dưới lên và đổ từ trên xuống.
Con người không còn hành động nào hợp lý hơn là trở thành một phần của bóng tối hay đơn giản hơn là nằm xuống như một nấ đất. Chính lúc đó, chính thời khắc quyết định ấy, Cái Đẹp xuất hiện như một ánh chớp. Con đường hay dẫu chỉ là hy vọng về con đường hiện lên trong tâm trí chúng ta và không bao giờ biến mất nữa. Từ đấy, dù ánh mắt thiêng liêng không ngó xuống với ta một lần nữa thì khoảnh khắc ấy cũng dư thừa. Chúng ta sẽ thoát khỏi sự bủa vây của bóng tối bằng chính con đường trong bóng tối mà ta có khi chỉ một lần nhận thấy.
Có người đã hỏi tôi về người đàn bà trong bài thơ Cái Đẹp ở tập Sự mất ngủ của lửa có ý nghĩa gì. Trong bài thơ ấy là cảnh một con bò kéo chiếc xe đá trên con đường gió lạnh. Sau xe là người đàn ông cúi mặt đấy xe. Cả con bò và người đàn ông kia đã nguyền rủa con đường, gió lạnh và nguyền rủa nhau. Trong khi đó người đàn bà ngồi trên thùng xe đã lấy khăn che bớt khuôn mặt đẹp của ta. Thế giới ấy luôn luôn có sự ngự trị của Cái Đẹp. Người đàn bà đẹp là sự ngự trị ấy. Nếu con người kia ngước lên, dù chỉ một lần thôi, thì anh ta nhận ra Cái Đẹp. Anh ta sẽ nhận được sự cứu rỗi. Nhưng anh ta không nhận ra nên đã nguyền rủa đời sống của chính anh ta và con đường dài của đời sống ấy, đối với anh ta là sự đầy đọa. Nhưng nếu anh ta nhận ra Cái Đẹp luôn luôn chờ đợi ngay trước mặt và thuộc về anh ta thì con đường anh ta đang đi sẽ tràn ngập đức tin; sự hy sinh anh ta đang phải trả là một sứ mệnh lớn lao.
Cái Đẹp không rời bỏ con người dù họ u tối và tội lỗi đến đâu. Cái Đẹp luôn luôn tìm mọi cơ hội để cứu vớt con người. Không phải Cái Đẹp chối từ con người mà chỉ là con người không nhận ra Cái Đẹp. Đôi khi, như một nghịch lý có thật là con người chỉ tin vào những gì bí ẩn. Sự hiển hiện gần gũi, thân thuộc quá khiến con người lười biếng, không tin tưởng. Con người thiếu tự tin đến mức nghĩ rằng phải trả một cái giá nào đó thì Cái Đẹp thực sự mới hiện ra với mình. Khi người đàn ông kia không nhận ra được Cái Đẹp thì anh ta chỉ ngang bằng với một con bò. Nếu như anh ta ngước lên, ngước lên một khắc thôi, anh ta sẽ bừng tỉnh tất cả và nếu tôi không nhầm thì dàn hợp xướng vô hình vẫn còn bay quanh đó chờ đợi phút giây ấy để reo ca.
NGUYỄN QUANG THIỀU; Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam