Chữ Nôm là thứ văn tự cổ truyền của dân tộc Việt Nam, được sáng tạo theo hình mẫu chữ Hán. Trải qua nhiều thế kỷ, chữ Nôm đã đồng hành cùng chữ Hán (từ thế kỷ XII) và sau đó cả với chữ Quốc ngữ theo mẫu tự La-tinh (từ thế kỷ XVII) đến đầu thế kỷ XX. Qua chữ Nôm, chúng ta có thể giải đọc và tìm hiểu nhiều tác phẩm quý giá của tổ tiên để lại. Bộ TỰ ĐIỂN CHỮ NÔM DẪN GIẢI (Dictionary of Chu Nom with Quotations and Annotations) này được biên soạn trước hết giúp độc giả làm quen với chữ Nôm và từ đó có thể đi vào giải đọc các văn bản cần thiết. Trong quá khứ, chữ Nôm chưa từng được điển chế hóa thực sự, và tác giả bộ tự điển này cũng không đặt cho mình nhiệm vụ chuẩn hóa chữ Nôm, mà chủ yếu cố gắng phản ánh thực trạng đa dạng và phức tạp của nó, nhưng không xô bồ mà theo một cách tiếp cận có hệ thống, có phân loại lớp lang, có phân tích cấu trúc hình thể và cấu trúc chức năng của chữ, có dẫn giải nghĩa chữ qua những câu trích từ nguyên văn của các văn bản Nôm ở nhiều thời kỳ khác nhau.
Trong khi vẫn giữ nguyên tinh thần và cốt cách như bản in cũ (2014), ở lần tái bản này (2021), tác giả có sửa chữa, điều chỉnh, thêm bớt một vài chi tiết đối với các mục chữ vốn có, sử dụng thêm 7 văn bản Nôm, bổ sung nhiều mục chữ (hiện lên tới ngót 9500 chữ khác nhau, ứng với 18500 âm đọc, quy thành gần 4500 âm tiết khác nhau, chưa kể các âm và chữ trong phần Phụ lục), thêm nhiều câu dẫn mới phát hiện, chuyển một số nội mã (Vcode) sang mã quốc tế hóa (Unicode), Đây là công việc khá phức tạp mà tác giả đã thực hiện trong nhiều năm kể từ sau khi bộ sách lần đầu xuất bản đến nay.