Giờ học đảo ngược là phương pháp ngày càng được đón nhận rộng rãi và phát triển ở nhiều nơi trên thế giới. Đây là một phương pháp sư phạm, trong đó hướng dẫn trực tiếp chuyển từ không gian học tập nhóm sang không gian học tập cá nhân, không gian nhóm được chuyển thành môi trường học tập tương tác tích cực, khi người dạy hướng dẫn người học áp dụng các khái niệm và tham gia sáng tạo các vấn đề liên quan đến nội dung bài học. Phương pháp này giúp người học có thêm sự hứng thú trong việc tìm hiểu bài, phát huy các kĩ năng, đồng thời cho phép người dạy có thêm thời gian để củng cố kiến thức, đi sâu hơn vào nội dung bài học.
Từ những giá trị của phương pháp này mang lại, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm trân trọng giới thiệu cuốn sách Giờ học đảo ngược (Hướng dẫn dành cho cơ sở giáo dục đại học) được dịch theo nguyên bản tiếng Anh tác phẩm Flipped learning (A guide for higher education faculty) của tác giả Robert Talbert và do Jon Bergmann giới thiệu. Cuốn sách gồm ba phần chính (chia làm 8 chương):
Phần một: Giờ học đảo ngược là gì? tập trung vào việc giúp hiểu chính xác giờ học đảo ngược là gì, tại sao các giảng viên lựa chọn sử dụng giờ học đảo ngược; cơ sở nghiên cứu và khung lí thuyết hỗ trợ giờ học đảo ngược; nghiên cứu các tình huống mà ở đó, giờ học đảo ngược được áp dụng theo các cách khác nhau trong các ngành học.
Phần hai: Thiết kế giờ học đảo ngược trình bày các quy tắc chung về thiết kế khoá học và cụ thể là mô hình của Dee Fink, xem xét mô hình 7 bước nhằm thiết kế giờ học đảo ngược, trong đó nhấn mạnh phát triển các mục tiêu học tập phù hợp và mô tả một mô hình bền vững cho các hoạt động trước giờ học mà sinh viên thực sự hoàn thành.
Phần ba: Giảng dạy và học tập trong môi trường giờ học đảo ngược trình bày cụ thể các hình thức biến thể của giờ học đảo ngược, đưa ra những cách biến mô hình này thành một phần cố định và chắc chắn sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị trong giáo dục.