CON NHÀ NGHÈO
Con nhà nghèo là tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh xuất bản năm 1930, được xây dựng với hai tuyến nhân vật là giới điền chủ quyền thế và giới tá điền bị trị, trong một xã hội thuở giao thời giữa phong kiến và Tây hóa.
Cô Tư Lựu con nhà tá điền, bố mẹ mất sớm, có hai người anh là cai tuần Bưởi và Ba Cam. Cai tuần Bưởi là tá điền của bà Cai Hiếu và vợ chồng cậu Hai Nghĩa, còn Ba Cam làm tài xế xe hơi cho một ông thầy kiện ở Sài Gòn.
Cha mẹ mất đi, Tư Lựu ở chung với cai tuần Bưởi. Năm 17 tuổi, cô trổ mã, đẹp gái và rất có duyên. Nhân lúc cai tuần Bưởi đi làm ăn xa, ông Hai Nghĩa con bà cai Hiếu hám sắc đã hãm hiếp cô. Vì đã có vợ con nên khi biết Tư Lựu có thai, Hai Nghĩa đã bỏ rơi cô. Tư Lựu sinh con, đặt tên là thằng Hai. Cả Hai Nghĩa và bà cai Hiếu đều không nhận máu mủ. Sợ mang tiếng xấu trong vùng nên họ tước hết ruộng mà cai tuần Bưởi đang thuê, trục xuất cả gia đình anh ra khỏi vùng đất của bà cai Hiếu.
Tư Lựu sau đó được anh Cu, một nông dân chất phác thương số phận hẩm hiu nên cưới làm vợ và nhận làm cha đứa trẻ.
“Cái tiếng nói “thương” của họ chẳng phải nghĩa nó là trọng hậu, yêu mến, nâng đỡ, bảo bọc. Cái “thương” của họ chỉ là bóc lột, là lợi dụng, là vui chơi, dầu ai tan nát nhà cửa mặc ai, dầu ai khổ thân lao lực mặc ai, dầu ai thất tiết ô danh mặc ai…”