Bây giờ cũng vừa độ heo may
Nguyễn Hiệp gọi tập sách này là Tạp bút, cái thể loại mà bản thân nó đã bao hàm rất nhiều thể loại, và cũng chính bởi thế mà nó chuyển tải được trong một dung lượng không quá lớn, khá nhiều thông điệp; từ nội dung phản ánh, đến hình thức, nghệ thuật thể hiện; từ tâm thế, trách nhiệm đến văn hóa, ứng xử của nhà văn... Nói cách khác, qua 22 bài viết của tập sách này, Nguyễn Hiệp đã phác thảo những nét chấm phá chính của bức chân dung tự họa. Người đọc có thể tìm thấy ở đây những phát hiện, những lập luận sắc sảo của một nhà báo, những quan sát tinh tế và những dự báo bất ngờ của một nhà văn, những rung động nguyên sơ da diết của một nhà thơ; hay những băn khoăn trăn trở đầy trách nhiệm của một công dân... Thế nhưng trên hết, đó là cảm nhận về một người giàu có vì biết sống kỹ lưỡng, biết trân trọng và nâng niu những vốn liếng chiu chắt được từ suốt mấy chục năm giữa cuộc đời...
Mặc dù ký ức chỉ mới là một phần trong số những cảm xúc, những bài viết, những góc tiếp cận của tác giả, song đó lại là phần không thể thiếu để làm nên cái chất văn vừa bảng lảng chiêm nghiệm, lại vừa sắc sảo rạch ròi của Nguyễn Hiệp, nhưng anh đã không làm thế mà để nó vẹn nguyên trong hình hài của một bài “tạp bút”. Như vậy cũng không sao. Anh không làm thì người viết bài này xin được nhắc: Nguyễn Hiệp viết: “... Nhiều lần tôi cứ tự nhủ lòng viết lần này nữa rồi thôi, rồi quên, rồi buông, rồi không bao giờ nhớ tới nữa nhưng vốn như sự kiến tạo lạ lùng của thời gian, sóng ký ức, những con sóng buồn thương ấy lại cứ tự nhiên tràn về, những cơn mưa bong bóng phập phồng lại tí tách tràn lan mặt hồ, mặt sân, lại mồn một tròn đầy, vỡ bụi, lặng lờ, nó chiếm lấy tâm hồn mình, nó làm cho tâm hồn mình chùng xuống, trĩu xuống một bên ngực trái, trĩu xuống một góc đêm đen. Buồn chẳng ích gì nhưng sao cứ buồn. Một đoạn người qua rồi, xa xưa rồi, nhớ cũng chẳng ích gì, sao cứ nhớ... (Sóng ký ức)
“À!” sảng khoái với người đọc. Ấy là khi anh thấy đã Hườm hườm tuổi xế,với những băn khoăn hết sức đời thường về sức khỏe, về gia đình, về ước mơ...; là khi nhận ra mọi điều đang diễn ra trong cuộc đời này, nói cho cùng, thì cũng Đơn giản như số phận vậy. Thế nhưng mấy ai nghĩ được rằng chính cái số phận ấy, hiểu cho kỹ, lại chẳng giản đơn chút nào. Nguyễn Hiệp lý giải:
“... Số phận không được hiểu như một điều có sẵn, con người thụ động hưởng lấy hay mang lấy, hạnh phúc hay đau khổ mà nó là hành trình sống theo đúng quy luật, quy luật của trời, đất, của con người trong tổng hòa các mối quan hệ...”
Trong Sóng ký ức hoàn toàn có thể xem như một vĩ thanh cho rất nhiều bài viết ngả về phía cảm xúc của tác giả: “... Tôi không định viết đoản văn này, tôi chỉ muốn đem lại sự nhẹ nhàng cho người đọc mình nhưng rồi sóng quặn, sóng dâng, loại sóng ký ức ấy trào lên chiếm lấy tất cả khi ngoài kia ông Trời chợt trút cơn mưa. Những cơn mưa Bàu Sáu. Những cơn mưa đã qua. Tất cả đang cùng lúc ào về, ập xuống và dâng lên ngập ngụa. Những phập phồng bong bóng nước. Những tê dại vì quá sợ hãi, quá tủi giận trong một góc chòi cô quạnh. Những rét mướt xuyên từ xương xuyên ra... Tôi còn viết được gì ngoài những con sóng ký ức ấy, những cơn sóng như đã vận vào một đời buồn bã của mình...”
Tạp văn của Nguyễn Hiệp là cảm nhận của nhà văn trước hiện thực xã hội, được soi chiếu bằng tri thức, nhưng quan trọng hơn, và cũng chính điều này đã làm nên sự riêng biệt không lẫn của tác giả với những người kể chuyện khác, ấy chính là quan điểm, thái độ và trách nhiệm đối với những hiện thực đó. Đây là thế mạnh của người viết văn xuôi trong việc kết cấu tác phẩm. Trong Nắng lạnh, chỉ một câu nói thuần túy về khoa học của người bạn “... Đừng cố công tìm hiểu thế giới này từ đâu ra, mình là ai trong cõi đời mà hãy biết cách sống như một con người trong vũ trụ, một con người trong cái bao la tinh xảo tuyệt diệu của Tạo hóa, chứ không phải một con người trong chiếc hộp...”
Nấn ná mãi ở Gói Ghém Heo May, chẳng hiểu sao tôi cứ nghĩ, 22 bài viết trong tập sách này của Nguyễn Hiệp là những trang nhật ký được gom góp lại thành văn. Mỗi bài viết là một câu chuyện, mỗi câu chuyện lại dẫn về một góc nhỏ trong vô vàn những góc nhỏ ký ức của Nguyễn Hiệp, mà chỉ cần đi hết một trong số những con đường đó, thật cẩn trọng và chăm chút, người ta cũng đủ trở nên giàu có. Tuy nhiên chọn cái tên Gói Ghém Heo May để làm tên cho cả tập, có lẽ là bởi Nguyễn Hiệp muốn mượn lời kết của bài tạp bút ấy để gửi gắm thêm một lời với bạn đọc chăng.
Mà bây giờ cũng vừa độ heo may...
Nhà văn Lương Ngọc An