Mẹ hay Ôsin là những câu chuyện đời thường giữa bao nhiêu vấn đề lớn lao của cuộc sống mà người ta dễ bỏ qua khi phải đối mặt với thực tại. Đó là chuyện tập thể dục buổi sáng (Giờ thiền, Thể dục nghiệp dư),chuyện xem hoa quỳnh nở ban đêm (Đêm xem hoa quỳnh nở),chuyện gia đình, con cháu tất bật suốt tuần (Mẹ hay Ôsin), chuyện người say trên xe đò (Người say),chuyện làm ăn, kinh doanh (Người mới nhập môn), chuyện một ông giám đốc đi nhận bằng khen (Nhận giải thưởng), chuyện một Phó Bí thư bị “bong võng mạc” phải nằm viện, chuyện chăm sóc các chậu kiểng (Điều quên dặn).Có cả những truyện như ghi chép sinh hoạt của một người, từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối: ngắm hoa, đến tòa soạn nhận tiền nhuận bút, mua cá vàng thả vào bể, 8 giờ tối lại vào Google, gõ: “Rùa” (Ngày không như mọi ngày), và chuyện của người chết sau 72 giờ (72 giờ sau)...
“Nhà văn là người kể chuyện”, điều này tưởng như không có gì để bàn. Nhưng không phải vậy. Cuộc sống vốn phức tạp và xô bồ, nhà văn tìm trong những hiện tượng đầy nhiễu nhương ấy để nhặt lấy những hạt châu ngọc kể cho mọi người và gửi trong đó những thông điệp.
Nhà văn Khôi Vũ không chỉ có tài kể truyện hay mà còn tạo ra thế giới nghệ thuật của riêng mình, thế giới của “cái đẹp”. Anh nhìn con người, sự việc với cái nhìn minh triết và tấm lòng nhân hậu, vì thế những chuyện xô bồ, những chuyện đau lòng, những chuyện mà nếu nhìn khác đi, người đọc sẽ cảm nhận dư vị chát đắng, rất dễ rơi vào bi quan.
Truyện Mẹ hay Ôsinchẳng hạn. Nhìn bằng con mắt của “cái đẹp” thì những việc mẹ làm cho con cháu là những biểu hiện ấm áp của tình yêu thương. Trái lại, con mắt thực dụng sẽ nhìn thấy người mẹ ấy chính là Ôsin của con cháu. Truyện Nỗi buồn dưa hấu là nỗi khổ tâm của bà Tám bán dưa hấu những ngày cận Tết. Bị ông trưởng khu phố và chú dân phòng làm khó, bà phải “biếu” mỗi người một cặp dưa. Nhưng nỗi lo vẫn còn đấy. Không biết có bán được hết 100 cặp dưa trước giao thừa, sau đó dọn dẹp vỉa hè như đã hứa với ông trưởng khu phố hay không. Nhà văn đã kết thúc truyện bằng sự “may mắn”cho người “ở hiền gặp lành”. Trưa hăm chín, một chiếc xe chở công nhân đâu như đi dự liên hoan về, bị hư máy dừng đúng trước sạp dưa của dì Tám. Hơn hai chục cô công nhân mặc áo đồng phục màu xanh lá mạ, trong lúc chờ bác tài sửa xe, đã rủ nhau mua hết số dưa còn lại của dì Tám.
Cái nhìn minh triết trong truyện ngắn Khôi Vũ đã soi thấu những vấn đề mà lương tâm trong sáng không thể chấp nhận. Trong truyện Nhận giải thưởng,một ông giám đốc mù mờ về tin học, lại ép cô phó phòng ghi tên mình vào công trình khoa học của phòng
Kỹ thuật, để rồi sau đó được mời đi nhận giải thưởng. Khôi Vũ sáng tạo ra chi tiết ông làm rơi chiếc khánh và khung ảnh giấy khen, rất may không có tổn thất gì. Chỉ“dòng chữ họ tên được dát vàng của ông dưới dòng chữ “Giải A sáng tạo khoa học” bị bong ra khỏi vị trí của nó”. Vâng, chỉ một chi tiết rất nhỏ ấy đã toát lên ý nghĩa: Cái khánh và bằng khen không thuộc về ông, dù ông có đang cầm nó trên tay.
Trong truyện Giờ thiền, những con người cùng đi tập thể dục buổi sáng, xuôi hay ngược, chỉ nhìn nhau im lặng. Không cả cái gật đầu chào nhau. Họ như những người đang thiền. Có một chút khôi hài trong cách đặt tên truyện để giấu cái tâm trạng chán ngán cái cuộc sống mà con người trở nên hoàn toàn xa lạ với nhau. Những truyện ”Không đề” cũng là những truyện khôi hài che giấu bên dưới những nỗi thất vọng về giới cầm bút. Người ta tranh giải trong “Cái ao làng”, “viết dở thế mà sao họ cũng in nhỉ?”. “Năm nào mình cũng có thơ in trên báo văn nghệ của Hội địa phương mà vẫn không được kết nạp làm hội viên?”... Nhưng có lẽ ý nghĩa minh triết thể hiện rõ nhất trong việc tra hỏi ý nghĩa đời người.
Truyện 72 giờ sau khi chết của một người. Anh ta tự kiểm điểm rằng mình đã hoàn thành tốt đẹp một đời người. Mọi người cũng công nhận: Thế là sướng rồi! Anh học hành vào loại khá từ bậc tiểu học, trung học đến đại học.
Trở thành công chức mẫn cán, làm việc đúng ngành nghề được đào tạo. Cứ ba năm lên một bậc lương. Rồi cưới vợ, rồi có con, một trai một gái, đúng chỉ tiêu. Vợ là cô giáo dạy một trường khá nổi tiếng ở địa phương, là vợ đảm, mẹ hiền, dâu thảo. Cuối tuần, mọi người thấy vợ chồng con cái họ chở nhau trên hai chiếc xe máy đi ăn sáng ở đâu đó. Thỉnh thoảng cả nhà dẫn nhau đi siêu thị, đi nhà sách. Thế nhưng ngay sau 72 giờ chẳng còn ai nhắc đến anh nữa. Bởi vì cuộc đời anh chẳng có gì để nhắc, trừ chuyện anh bị chiếc xe tải nhỏ không chịu dừng đèn đỏ tông chết. Vâng, người đời chỉ nhắc đến những ai đã làm được những gì có ích cho cộng đồng.
Viết những truyện ngắn (khoảng trên dưới 1.000 chữ), nhà văn tự đặt mình vào trong nhiều cái khó. Phải là một truyện có cấu trúc hoàn chỉnh, phải gây được ấn tượng ngay từ đầu đối với người đọc, và phải chọn cách thể hiện thích hợp. Sẽ có rất ít chữ để miêu tả không gian, thời gian, và sự vận động tâm lý nhân vật. Và càng rất khó để miêu tả cho được số phận nhân vật chứa đựng tư tưởng - thẩm mỹ. Nhà văn Khôi Vũ đã kiến tạo những truyện ngắn như thế nào để đạt được những giá trị tư tưởng, nghệ thuật?
Mỗi truyện Ngắn của Khôi Vũ đều có một cái “tứ ” làm cốt lõi. Từ cái “tứ” này, Khôi Vũ tạo dựng không gian, thời gian, nhân vật và các tình huống. Cốt truyện là hoàn toàn sáng tạo. Nhà văn Khôi Vũ dùng chất liệu hiện thực đắp vào tứ truyện tạo hồn cốt câu truyện. Mỗi truyện đều bắt đầu bằng một tình huống dẫn vào đề, rồi triển khai những tình huống có vấn đề và kết thúc bằng một tình huống thể hiện cái nhìn nhân hậu. Chủ đề thường bật ra từ những tình huống bất ngờ ở cuối truyện. Thí dụ, truyện Nhận giải thưởng,chi tiết “dòng chữ họ tên được dát vàng của ông dưới dòng chữ “Giải A sáng tạo khoa học” bị bong ra khỏi vị trí của nó” làm hiển lộ chủ đề nằm ngoài văn bản.
Mẹ hay Ôsin là những câu chuyện thú vị. Nhưng thú vị nhất là nhà văn đã gợi mở những con đường tư tưởng vì “những con đường trong cuộc sống thì chẳng bao giờ có sẵn”(Huệ).
BÙI CÔNG THUẤN
(Ban Lý luận phê bình -Hội Nhà văn Việt Nam)