Từ mười bảy đến hai mươi mốt tuổi, tôi viết nhiều: Những câu chuyện- những giấc mơ kéo dài, đến độ, tôi không phân biệt được khi nào là tỉnh, khi nào là mộng? Tập truyện này được viết trong quãng giữa tháng năm ngủ nhiều, mơ nhiều, ôm trong mình nỗi mơ mộng và cô đơn.Và nhiếu mất mát...
...nhân vật của Yến Linh dù có lý lịch bản thân khác nhau thế nào, đang sống cuộc sống khác nhau ra sao, điều ấy hình như không quan trọng. Cái quan trọng chính là tâm trạng của họ. Nói cách khác, "nhân vật" chung nhất của Yến Linh chính là tâm trạng của một "nhóm" người, nhóm nhân vật mà cô quen thuộc: lớp trẻ. Một tâm trạng nhàm chán và "khó ở" vì cảm thấy không thể thay đổi được nhiều thứ.
Vẻ ngoài các nhân vật thường được tác giả phác vẽ khá sơ sài, có tính tượng trưng, không sắc nét. Cái quyết định là phần bên trong của những con người đó. Câu chuyện của họ cũng không quá xốn xang, gây cảm giác mạnh. Nó chỉ như một cung trầm, lẳng lặng ngân lên, và bằng lòng với những hiệu ứng phù hợp.
Yến Linh còn khá trẻ. Có lẽ rồi sự trải nghiệm cuộc sống sẽ giúp cô phong phú hơn nữa trong cách dựng nhân vật, cách khai thác những câu chuyện cá nhân - được hiểu là một thành tố để tạo nên cộng đồng- bên cạnh văn phong điềm tĩnh mà cô đang sở đắc. (Nhà Văn Ngô Thị Kim Cúc)