Trích đoạn Ở một nơi ai cũng quen nhau
“Khi nàng bắt đầu gặp cái nhìn của anh, nàng cười, nụ cười của nàng trông đáng yêu chết đi được, mặc dù môi nàng đã phai son tái nhợt. Da mặt nàng cũng không trang điểm gì, đôi mắt đen sâu mất ngủ và mệt mỏi. Nàng ngồi xuống, co mình vì lạnh, anh bèn khoác lên vai nàng chiếc áo sơ mi vải dày của anh. Nàng cười có nghĩa là cám ơn, rồi nàng bắt đầu nói chuyện, những câu chuyện anh đã nghe hoài nh ưng anh vẫn thú vị lắng tai…”
Trích đoạn Sông Hương nước nhảy lên bờ
“đềm mơ màng, bà lẩm bẩm như vẫn đang nói với cô Út:
“... Còn cái thằng Tí Đường, ba nó mất sớm, mẹ nó lại đi xa, nói mãi nó mới để thằng Tí ở đây cho tao dạy dỗ. Có một mụn cháu mà không thương răng được...”
“... Nói tóm lại trong nhà ai cũng thương thằng Tí Đường nhất. Cả dì Út nữa, lúc nào nó làm dì nổi cáu về chuyện gì thì bị dì cho ăn mấy cái phất trần, nhưng mỗi lần đi xi-nê, dì vẫn dẫn nó đi theo, xem xong lại còn cho ăn một ly chè trái cây nữa.
Ở trường học, ghi rõ tên vở, thằng Tí Đường cũng có một tên oai ra phết chứ đâu gọi là Tí một cách coi thường thế. Cái tên thân mật, sở dĩ gọi là Tí vì nó nhỏ nhất nhà, so với mấy ông cậu bà dì của nó. Còn cái “biệt hiệu” Đường bắt nguồn từ cái thói thích chạy rong ngoài đường hơn là nằm trong nhà của Tí. Suốt ngày, không kể những lúc đi học, thằng Tí Đường đều lê la trên khắp các hè đường ven sông, hái me, bẻ phượng, câu cá, xách ná cao su bắn chim (thỉnh thoảng bắn trật hoài nó bèn gan lì bắn trộm chim bồ câu của nhà hàng xóm).
Mặc dầu thương Tí Đường nhưng ai cũng than phiền, rầy rà nó luôn vì nó ham chơi hơn ham học. Thứ hạng trong sổ Thông Tín Bạ của nó mỗi tháng mỗi tụt dần làm dì Út không ngớt cau mày, thở dài cho cái công lao kèm học thằng cháu mỗi đêm của dì.
Nhưng cũng có một người không bao giờ trách móc thằng Tí Đường cả, lại còn luôn tán đồng khuyến khích cặp giò chạy nhong nhong ngoài đường của nó.
Người dễ tính đó là tôi.