Rồi ai sẽ kể của nhà báo Nguyễn Minh Hải, bút danh Trúc Giang, là tản mạn những ký ức của những năm tháng xưa cũ mà sâu thẳm trong tim mỗi người đều có. "Những câu chuyện cổ mẹ kể năm nào" là những ngày đói kém ăn cơm độn khoai, nhà dột cột xiêu, đầu trần chân đất băng qua những con kinh để đến lớp…"Qua rồi một thuở vàng son" là sự trù phú thiên nhiên của miền Tây mà chỉ sau đó ít năm mọi thứ đã thay đổi. Sự gia tăng dân số, sự biến đổi của đời sống kinh tế khi rất nhiều sản vật tự nhiên trở thành hàng hóa, nhu cầu của xã hội tăng lên không ngừng, kỹ thuật đánh bắt ngày càng hiện đại và…"hại điện" … thì chim trời cá nước ngày càng khan hiếm. Một số hình ảnh chỉ còn là ký ức, như những đàn cò trắng bay rập rờn, những cái đìa đầy cá lóc năm bảy ký v.v…
"Ăn Tết ngày xưa" tuy nghèo nhưng năm mới được đón bằng niềm lạc quan phấn khởi chứ hiếm khi lo lắng buồn rầu. Nhà nhà rộn ràng chuẩn bị, giã khoai giã bột làm bánh, mổ heo "chia" cho hàng xóm dành để kho tàu…Tiếng pháo chuột nổ lép bép ngoài đường, mùi pháo theo làn gió xuân se se phảng phất trong không trung thơm thơm nồng nồng tạo nên một không khí đặc trưng không thể nào quên.
Những ai có lòng hoài niệm về tuổi thơ hẳn khi nghe bài hát Quê hương tuổi thơ tôi của nhạc sĩ Từ Huy sẽ thấy lòng nức nở, nhất là với điệp khúc:
Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ
Cho tôi tìm lại, cho tôi một ngày.
Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ
Những câu chuyển cổ mẹ kể năm nào
Mỗi người chúng ta cố gắng giữ lại những gì mình quan tâm về đời sống, về gia đình…khi những "nhân chứng sống" vẫn chưa khuất bóng. Rồi sau đó, chúng ta truyền lại những điều đó cho con cháu để sợi dây được giữ và giữ thẳng, không cong vẹo hay thắt gút. Khi viết "Rồi ai sẽ kể", tác giả tự giao trách nhiệm cho mình sẽ là người kể, cho con cháu nghe để chúng hiểu đúng về cha ông chúng, về sự nỗ lực vượt khó vươn lên của cha ông chúng.