Thôn 9 hóc
Tác giả: Mạnh Hoài Nam
Nhà báo Mạnh Hoài Nam
Phóng viên Báo Phú Yên
Sinh năm 1973
Bút danh: La Hai, Trâm Trân
Thôn “9 hóc”
“Thôn 9 hóc ngắn, nhưng những kỷ niệm trải qua 9 hóc lặng lẽ, chảy dài trong tôi, mải miết.
Thôn 9 hóc là một tập truyện dài dày dặn và trọn vẹn hơn khởi từ tập tạp bút Về lại Ô Loan (2016). Về lại Ô Loan gồm 40 tạp bút viết ròng rã về mẹ, nhiều người hỏi tôi, sao không viết về ba, không có ba à? Có chứ. Tôi có ba nhưng từ hồi nào đến giờ tôi ở cạnh ba không quá một ngày. Trong tập truyện dài này có lấp ló bóng dáng của ba (nhưng đó chỉ là hư cấu). Trong cuốn tạp bút, câu chữ tuôn ra theo dòng hồi ức tuổi thơ, tình yêu xóm làng, đồng ruộng... Tôi "làm mới" bằng cách ghép lại bức tranh làng quê, qua góc nhìn và tâm tư của một người gắn bó với mảnh đất đã nuôi mình lớn khôn...
Qua tập truyện ngắn, tác giả sẽ dẫn bạn đọc đến với một cảm xúc mới của một vùng đất nhỏ ở Phú Yên, về những chuyện làng quê, chuyện buồn vui gia đình, cái nôn nao của cảm giác thương lắm quê mình. Nếu là một người con xa quê, bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác thổn thức và nhớ hơi ấm dịu dàng mà lặng thầm của “mẹ”. Các truyện nhỏ trải dài trong tập sách có thể kể đến như Thôn 9 hóc; Tiếng con tắc kè kêu ở xóm hóc Kè và trái ổi giẻ; Cái trổ máng ở xóm hóc Son; Tiếng kêu “cút kít, cò ke” xóm hóc Tre; Chia ra ba hóc; Đi coi ké World Cup ở xóm hóc Ké; Mùa keo chín ở hóc Bà Nỗ; Từ hóc Mằng Gà qua lại hóc Ông Ngõ; Dòng nước hóc Bướm; Đài truyền thanh xóm hóc Ống; Gái đẹp La Hai mưu sinh ở hóc Ống…
Vì sao gọi là thôn 9 hóc???
Thôn có 9 địa danh... bắt đầu từ chữ "hóc". Mỗi "hóc" là một xóm nhà, dựa lưng vào vách núi, phía trước là cánh đồng vắng. Địa hình ở đây khác lạ, cánh đồng ruộng trải dài, cứ 200 đến 300 mét cánh đồng "thọc" (tức ăn sâu) vào hốc núi gọi là "hóc". Thôn "9 hóc", rất là lạ lẫm.
Thôn “9 hóc”, được bao bọc bởi hai con sông: sông Con (hay còn gọi là sông Trà Bương) và sông Cái (hay còn gọi là sông Kỳ Lộ, sông lớn thứ hai ở Phú Yên, sau sông Ba). Mỗi hóc có riêng một cánh đồng nhưng có cánh đồng rộng không quá 10 giạ giống ruộng (1 giạ giống là 1.000m2).
Thời đi học cấp 2 (trung học cơ sở), trường học nằm bên kia sông Con, nên từ nhà tôi đi bộ xuống, qua sông đến trường. Chiều đi học về tôi theo Phượng (bạn học cùng lớp) bước ngược lên nhà Phượng ở đầu thôn, vì vậy thời niên thiếu, bàn chân tôi “tóm gọn” đoạn đường qua thôn “9 hóc”.
Xóm hóc Kè (xóm đầu tiên tính từ trên xuống) nằm dưới chợ Đồng Thành có khoảng 50 ngôi nhà chạy viền theo dưới chân dãy núi nhỏ.