Ta có thể diễn giải “lịch sử” như lịch sử đấu tranh giai cấp, hoặc như lịch sử đấu tranh chủng tộc thượng đẳng, hoặc như lịch sử tư tưởng tôn giáo hoặc lịch sử đấu tranh giữa xã hội “mở” và xã hội “khép kín”, hoặc như lịch sử của tiến bộ khoa học và công nghiệp. Tất cả đều là những quan điểm mang tính quan trọng không ít thì nhiều và không có gì đáng chê trách. Nhưng các nhà sử luận lại không trình bày chúng đúng như thế; họ không nhìn ra sự cần thiết của tính đa dạng trong những cách diễn giải về cơ bản tương đương nhau (cho dù một trong những cách diễn giải ấy có thể nổi bật lên nhờ vào tính phong phú của chúng - một điều ít nhiều có ý nghĩa). Thay vì thế, họ trình bày chúng như những học thuyết hoặc lí thuyết, và khăng khăng rằng “toàn bộ lịch sử là lịch sử đấu tranh giai cấp”, v.v. Và nếu thấy rằng quan điểm của mình là phong phú và có nhiều thực kiện có thể được sắp xếp theo thứ tự và diễn giải dưới ánh sáng quan điểm của mình, họ sẽ nhầm lẫn quan điểm với một sự chứng thực, hoặc thậm chí một phép chứng minh, cho học thuyết của họ.
(Trích Phần IV)
Thông tin tác giả Karl Popper
Karl Popper
Sinh (28/7/1902 - 17/9/1994), nhà triết học Anh, gốc Áo, nguyên Giáo sư Học viện Kinh tế London, được đánh giá là một trong những nhà triết học về khoa học có nhiều ảnh hưởng nhất thế kỉ XX. Ông có nhiều công trình nghiên cứu rất sâu về lĩnh vực triết học xã hội và chính trị. Tư tưởng triết học của ông bao trùm các lĩnh vực: Triết học khoa học với các tác phẩm Logic của sự khám phá khoa học (Logik der Forschung, Wien, 1934), Phỏng định và Bác bỏ (Conjectures and Refutations, 1963), Tri thức khách quan (Objective Knowledge, 1972). Triết học chính trị và xã hội với các tác phẩm Sự nghèo nàn của Thuyết Sử luận (The Poverty of Historicism,1936, 1957), và Xã hội mở và những kẻ thù của nó (The Open Society and Its Enemies, 1945).
Về tiến hóa và chức năng của ngôn ngữ: Karl Popper không những quan tâm tới triết học khoa học, triết học chính trị, mà còn đưa ra nhiều quan điểm hết sức độc đáo và sâu sắc về thuyết tiến hóa, về logic học, về nghiên cứu ngôn ngữ và nhiều lĩnh vực tư tưởng khác. Những ý niệm về các lĩnh vực đó được trình bày rải rác trong các tác phẩm lớn nói trên và trong những tác phẩm khác như: Quantum Theory and the Schism in Physics, 1956/57, Realism and the Aim of Science, 1956/57, Unended Quest; An Intellectual Autobiography, 1976...