Cố nhân có câu răn về cái sự đánh giá con người, rằng “cái quan định luận”. Lời dạy của người xưa là sự đúc kết thâm sâu mà ứng vào thực tế, ta luôn thấy xác đáng lắm. Nhưng với trường hợp của “Ông già đi bộ” Sơn Nam, một nhà Nam bộ học, nhà văn nổi tiếng của miệt đất cửu Long, hẳn chưa đủ.
Đời ông, sau khi biệt khỏi cõi trần cách nay 10 năm, có bia đá, có tượng đồng, và nhiều hơn thế nữa, nào nhà lưu niệm, nào tên đường,... hẳn là sự ghi nhận, vinh danh của hậu thế với ông, cho thấy sự định luận của đời, hẳn nhiên tốt đẹp. Nhưng, cái sự phẩm bình sau khi nhà văn rời cõi tạm, nó cũng không khác là bao so với khi ông còn miệt mài trên đôi chân vạn dặm rảo bước khắp đó đây để tìm chất liệu cuộc sống mà đưa đến cho đời những trang viết, bài khảo cứu, câu văn thấm đẫm sự dung dị, sự gần gũi đậm chất Nam bộ. Và ngay cuộc sống đời thường của ông, một nhà văn chơn chất hơn bao giờ hết khi hòa vào đời sống cùng giới bình dân, xe không biết đi, cơm bụi thích ăn, gác trọ quen hơi,... tình cảm của ông dành hết cho họ, và ở chiều ngược lại, tình cảm của họ, đáp lại ông, thấm đẫm ân tình. Ai tiếp xúc với ông mà chẳng có được cái ấn tượng tốt đẹp ở một nhà văn hóa quần áo xuềnh xoàng, rít thuốc liên tục, dáng đi liêu xiêu và những thông điệp truyền tải qua lời ăn tiếng nói, qua câu chuyện rất đỗi nhẹ nhàng, phóng khoáng. Thế nên chúng tôi mới mạo muội mà rằng, với Sơn Nam, ở nơi dương thế hay về chốn cửu tuyền, thì không chỉ với người thân trong gia đình, mà còn với công luận, độc giả, với hàng xóm bình dân nơi ông đi về sớm tối, cũng đều một sự quý thương, yêu mến.
Và để độc giả cảm nhận chân thực hơn về “Ông già đi bộ”, thì đâu cho bằng ký ức những người thân của ông, những người sống bên ông, từng đồng hành với ông trên những nẻo đường đi thực tế, từng ngồi cùng mâm chia nhau miếng khô cá sặc, nằm cùng giường nghe từng nhịp thở,... Độc giả đừng nên vội nghĩ gì cho xa, để chúng tôi được tỏ bày.
Người chúng tôi muốn nhắc tới là Đào tăng, người bạn tri âm đã cùng Sơn Nam rong ruổi khắp nơi trên chiếc xe máy cà tàng; chia sẻ một góc phòng để cố nhà văn gõ nhịp trên chiếc máy đánh chữ hằng đêm. từ ngôi nhà người bạn họ Đào, Sơn Nam sáng sáng liêu xiêu bước chân ra Nhà truyền thống gò Vấp, rồi sau một ngày đi bộ khắp chốn với bè bạn, tối tối lại thấy “Ông già đi bộ” liêu xiêu bóng đổ quay về nơi tá túc, lắng nghe tiếng gõ lách tách của từng thanh chữ đến tận khuya. từ những ấn tượng, những kỷ niệm sâu sắc còn đọng lại về người bạn vong niên quá cố, tác giả Đào tăng đã chắp nhặt bao mảnh ký ức ấy, vẽ nên qua câu chữ chân dung nhà văn hóa Nam bộ rất đời thường mà không phải ai cũng biết, cũng tỏ, để từ đó, một Sơn Nam với nết ăn, nết ở, với lời nói, việc làm thường nhật hiện lên thật sống động và quá đỗi thân thương.
Kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà văn Sơn Nam (2008 - 2018), Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố hồ chí minh trân trọng được gửi tới bạn đọc ấn phẩm 10 năm vắng bóng liêu xiêu “Ông già đi bộ”, như một nén tâm nhang dâng lên nhà văn hóa lớn của đất Nam bộ. xin mời quý độc giả hãy lần giở từng trang chữ, từng tấm ảnh để đọc và cảm nhận cho đủ đầy chân dung “Ông già đi bộ” chúng ta yêu quý.
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH