Sự hài hước khởi sinh từ cuộc sống mà con người không thể làm chủ được nó…
(Trò chuyện giữa biên tập viên Nhà xuất bản với tác giả tập truyện hài hước Anh nhớ em muốn chết!)
1. Tác phẩm hài đầu tay của chị ra đời trong bối cảnh nào và được in/đăng ở đâu?
Để ra mắt được tập truyện hài hước thứ ba này, tôi muốn nói lời cảm ơn bán nguyệt san Tuổi Trẻ cười và người đồng nghiệp luôn xét nét câu chữ nhưng hết sức tận tâm giúp đỡ là nhà văn trào phúng Lê Văn Nghĩa - từng là chủ biên bán nguyệt san này. Nếu không có nhà văn Lê Văn Nghĩa và Tuổi Trẻ cười, có lẽ tôi đã không có điều kiện để biết mình có khả năng viết được truyện hài hước.
2. Chị chịu ảnh hưởng từ những tác giả/tác phẩm nào về thể loại này?
Tôi đọc hầu hết truyện của Aziz Nesin được dịch ở ta, tôi chỉ thích sự phát hiện những nút thắt mở trong truyện trào phúng của ông nhưng không mấy thích cách thể hiện, bởi ông chú tâm câu chuyện kể mà ít dụng công cho văn chương. Tôi mê truyện ngắn của A. P. Chekhov và thích giọng điệu hài hước của văn hào, nhất là ở nhiều truyện mang chất châm biếm sâu cay như: Cái chết của một viên chức, Con kỳ nhông, Một tấn kịch…Tôi cũng thích chất hài hước của một số nhà văn khác như: O. Henry, Mark Twain…
3. Theo chị, trong các thể loại văn học, thể loại hài có tầm quan trọng thế nào?
Văn hào William Shakespeare từng nói: “Các cô gái chẳng muốn gì hơn là có chồng, và rồi khi có chồng, họ muốn mọi thứ.”
Sự hài hước khởi sinh từ cuộc sống mà con người không thể làm chủ được nó mà thường khi để cho nó dẫn dắt.
Cuộc sống lại quá phong phú, quá nhiều chuyện cười đùa, quá nhiều vấn đề đáng cười nhưng trong văn chương thì dường như quá nghiêm trang, thậm chí nghiêm trọng trước cả những chuyện chỉ có tiếng cười, sự cười mới thấy rõ bản chất của những điều đáng cười,
đáng phê phán.
4. Sắp tới, chị có dự định nào mới về thể loại hài không?
Không dự định gì, nếu chớp được tình huống có thể hình thành được truyện hài hước tôi sẽ không bỏ qua.
5. Tại sao chị cho ra mắt tập sách Anh nhớ em muốn chết!?
Tôi ngưng viết truyện hài hước trong vài năm. Nhưng rồi thấy nhiều truyện hài hước đã viết cách nay nhiều năm vẫn được in lại trên một số tờ báo có nhiều độc giả và bổn báo gởi trả nhuận bút hẳn hoi (một số truyện như: Cú sút, Con vật trung thành, Tình huống khẩn cấp, Địch có thể thấy ta, Cái đầu siêu định vị… nếu cộng lại số tiền nhuận bút chắc nhiều hơn tiền nhuận bút mà tiểu thuyết Thế giới xô lệch - đã in 6 lần). Và tôi nhận ra, truyện hài hước đang được tìm đọc, thế là tôi viết trở lại.
Tôi lấy tên Anh nhớ em muốn chết! (Truyện hài hước đăng trên báo Lao động cuối tuần) làm tên cho tập truyện hài hước này, bởi đây cũng là truyện được nhiều người ưa thích. Một mày râu khi đọc được truyện đăng báo, đã gọi cho tôi: “Nếu được đọc cái truyện này sớm, chắc tôi đã không phá tanh banh cái tổ ấm của mình”.
Anh nhớ em muốn chết! gồm 42 truyện (một nửa là truyện đã in một số báo như Tuổi Trẻ cười, Lao động cuối tuần và một nửa là tôi chọn lọc từ hai tập truyện hài hước đã in (Trăng mật ở đảo - Nhà xuất bản Văn nghệ và Cái đầu siêu định vị - Nhà xuất bản Trẻ).