Viết tiểu thuyết luôn là một công việc lao tâm khổ tứ rất nhiều của các nhà văn. Viết tiểu thuyết đã khó, mà viết tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết dã sử còn vất vả hơn nữa. Nó không chỉ đòi hỏi kỹ năng viết, mà nhà văn còn phải tìm tòi nghiên cứu tư liệu lịch sử. Trên cái nền chính sử ấy, những sáng tạo với thủ pháp hư cấu được vận hành để không làm phá vỡ cái hồn của bối cảnh lịch sử nói chung và cái thần của nhân vật lịch sử mà tiểu thuyết đề cập.
Đọc "Bảo kiếm và giai nhân" của nhà văn Bùi Anh Tấn (NXB Tổng hợp TP HCM), ta thấy được cái khó ấy, mà cũng thêm khâm phục năng lực làm việc của anh.
Thành danh từ rất lâu, viết được hơn 20 tiểu thuyết các thể loại, Bùi Anh Tấn dù công việc bề bộn ở tòa soạn Báo Công An TP HCM nơi anh làm Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung, hằng ngày tưởng chừng như muốn ngập lụt trong công việc. Nhưng anh vẫn dành ra một góc thời gian riêng để thỏa niềm đam mê sáng tác. Trong quỹ thời gian eo hẹp được anh tận dụng ấy, "Bảo kiếm và giai nhân" đã ra đời.
"Bảo kiếm và giai nhân" là tiểu thuyết dã sử chọn điểm rơi vào thế kỷ X trong lịch sử nước nhà. Cứ xem trong những sách chính sử của ta ghi chép về thời gian tương ứng với các nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê này, hẳn muốn hình dung cũng không dễ. Chính sử chỉ dành một dung lượng rất ngắn cho giai đoạn này. Đơn giản, chỉ là những sự kiện như đánh Nam Hán, lập triều đại, chế định triều nghi, phẩm phục và một số công việc đánh dẹp của quân vương. Nhưng qua tham khảo nhiều tư liệu, trên nền lịch sử với phông màu còn nhiều khoảng trắng, Bùi Anh Tấn đã vẽ nên cả một thiên lịch sử đậm chất dã sử lối cuốn bạn đọc. Vẫn là những Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Dương Vân Nga…, nhà văn đã tái tạo nên một câu chuyện vừa thực vừa ảo. Thực ở những sự kiện đã từng diễn ra trong lịch sử; còn ảo chính là những nhân vật hào sảng chí khí, lung linh số phận đời người, như để lý giải cho những gì đã từng trải qua trong lịch sử dân tộc. Vẫn chân dung Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn từ chính sử, họ bước vào trang tiểu thuyết dã sử với tính cách được tạo dựng đầy đủ những hỷ, nộ, ái, ố, sân si,… rất người. Vẫn Dương Vân Nga lấy hai chồng làm vua đấy, nhưng là một Dương Vân Nga đa đoan giữa cái xã hội bấy giờ đàn bà, con gái còn phải "dập dìu" nương theo sóng nước,…
Đọc "Bảo kiếm và giai nhân", ta cảm thêm được những tên tuổi, những triều đại đã làm nên một thế kỷ X huy hoàng của độc lập, tự chủ vừa đầy xáo trộn với những sự thay vua, đổi chúa của biến động chính trị, dù đó chỉ là dã sử. Qua "Bảo kiếm và giai nhân", ngoài những gì sử sách đã ghi chép, nhiều mảng màu tối, những âm mưu chính trị thâm độc, tranh quyền đoạt vị diễn ra gay gắt được tác giả tạo dựng nên với những bối cảnh, tình tiết ly kỳ, hấp dẫn, những xâu chuỗi làm cho những hành động ám sát của Kiều Công Tiễn, Đỗ Thích có nguyên do, bằng cớ rõ ràng. Sự thay đổi triều đại từ Đinh sang Tiền Lê cùng hành động khoác áo long bào của Dương Vân Nga cho Lê Hoàn cũng được diễn tả rất đời, rất người,… Để thẩm thấu tác phẩm, bạn đọc cũng nên lưu ý phân định rạch ròi rằng trên hết, đây vẫn là tiểu thuyết dã sử. Có như thế mới không sa vào những thắc mắc, băn khoăn rằng điểm này, điểm kia, sử sách có ghi như thế không?
TRẦN ĐÌNH BA