Văn học dân gian là sáng tác nghệ thuật truyền miệng của các tầng lớp dân chúng, phát sinh từ thời công xã nguyên thủy, phát triển qua các thời kỳ lịch sử cho tới ngày nay thể hiện sức sống lâu bền và mãnh liệt. Văn học dân gian Việt Nam gồm những thể loại chính như: thần thoại, sử thi dân gian, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, tục ngữ, câu đố, ca dao - dân ca, hò vè, truyện thơ và các loại hình sân khấu dân gian (chèo, tuồng, múa rối…). Trong các thể loại này, ca dao - dân ca chiếm một vị trí quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tình cảm con người từ khi còn nằm trong nôi. Những câu ca ngắn gọn, lời thơ súc tích mà các bà, các mẹ thường dùng để hát ru với những vần điệu nhẹ nhàng, tình cảm sâu lắng đã góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn và nhân cách bao thế hệ người Việt.
Ca dao - dân ca là những khái niệm tương đương, chỉ các thể loại trữ tình dân gian, kết hợp lời và nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người. Trong đó, dân ca là những sáng tác kết hợp lời và nhạc; ca dao là lời thơ của dân ca. Khái niệm ca dao còn được dùng để chỉ một thể thơ dân gian - thể ca dao.
Cuốn sách Ca dao Nam Trung Bộ của tác giả Thạch Phương - Ngô Quang Hiển là một công trình mang tính khảo cứu, sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu một số loại hình sáng tác dân gian của các tỉnh thành từ Đà Nẵng tới Ninh Thuận. Công trình này là kết quả sưu tầm, điều tra điền dã trong nhiều năm tại các địa phương, có kết hợp với các tài liệu, thư tịch đã được công bố trên các sách báo cũng như các cuộc hội thảo khoa học về văn hóa dân gian tổ chức tại miền Trung trong thời gian qua. Cuốn sách cung cấp cho độc giả mảng sáng tác lớn nhất và phong phú nhất của văn học dân gian là ca dao, bên cạnh đó còn có dân ca, câu đố, vè,… có mối quan hệ khắng khít về nội dung tạo nên bộ mặt đa dạng và phong phú của văn học dân gian ở một khu vực, vùng miền.
Cuốn sách đã được Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1999, đến nay, một số địa danh được chú thích trong sách có ít nhiều thay đổi về mặt quản lý hành chính. Vì vậy, trong lần xuất bản này, tại Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, những địa danh cũ đã được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với việc phân chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và tỉnh Quảng Nam cũng như các thị xã Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Phú Yên… trở thành thành phố thuộc tỉnh. Đồng thời, nội dung cuốn sách cũng được tu sửa cho hoàn chỉnh hơn.
Nhằm giúp độc giả có được một cái nhìn tương đối khái quát và rõ nét về một số tác phẩm văn học dân gian Nam Trung Bộ, các tác giả đã dày công sưu tầm, biên soạn và sắp xếp bố cục cuốn sách một cách khoa học gồm hai phần: Ca dao và Những thể loại có liên quan đến ca dao. Hi vọng rằng công trình này sẽ góp thêm một cái nhìn chi tiết hơn về ca dao Việt Nam đồng thời góp thêm tư liệu cho kho tàng văn học dân gian ngày một phong phú và đa dạng hơn trong bối cảnh đất nước đang từng ngày đổi mới, phát triển và hội nhập.
Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xin trân trọng giới thiệu cuốn sách Ca dao Nam Trung Bộ với bạn đọc.
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH