Có một ngày, nhìn mưa trắng mênh mang khắp cỏ cây hoa lá, lòng nao nao một nỗi bâng khuâng. Hình như có một nỗi nhớ không tên, vừa rõ ràng cụ thể, vừa mông lung, mờ ảo vô cùng.
Và rất tự nhiên bật lên trong đầu câu Chớp bể mưa nguồn. “Bể”... là trong câu ca mẹ vẫn ru ta thuở ấu thơ: “Rủ nhau xuống bể mò cua; Đem về nấu quả mơ chua trên rừng”.
Cũng là “biển” đấy, nhưng sao nghe “bể”, cứ hình dung ra biển dân dã hơn, mộc mạc và thân quen hơn, da diết và hoài niệm hơn. Như vạt áo nâu của cha, và dáng váy lĩnh “thắt quai cồng” của mẹ ta xưa... Ta yêu dáng tảo tần của mẹ trên ruộng, trên nương. Ta thương giọt mồ hôi đọng trên vầng trán cha, thương mảng áo bạc trắng vị mồ hôi muối của mẹ. Ta thương hạt lúa, củ khoai nơi quê nhà đã thấm những giọt nắng, ngọn gió của đất trời ban tặng. Như thương những người dân quê đang chăm chỉ đọ sức với những gian lao, vất vả để dâng tặng cho đời bát cơm dẻo thơm...
Suối đổ ra sông. Sông về với biển. Từ núi cao rừng thẳm, mưa nguồn ta lại về với biển cả mênh mông. Giọt nước ngọt đầu nguồn nay thấm thêm vị mặn của cuộc đời, của nắng gió gian lao. Và một ngày nào đó, hòa trong nắng, trong gió chơi vơi, giọt nước lại bay lên để rồi lại rơi xuống nơi đầu nguồn bí ẩn những thung sâu, những vạt rừng hoang dại, vẫn thâm u trong nắng gió đại ngan. Giọt nước mang theo nỗi mặn mòi của chớp bể…
Khép kín một vòng tròng quy luật của cuộc đời.
Cho ta tan vào nỗi nhớ mênh mông trong chớp bể mưa nguồn…