Nội hàm của “danh nhân” trong tập sách này, theo định nghĩa: “Người có danh tiếng” (Đại từ điển tiếng Việt, NXB Văn hóa Thông tin - 1998, tr. 510). Không những thế, những “người có danh tiếng” ấy với tài năng, công đức, tài hoa… đã có những đóng góp tích cực trong lĩnh vực chuyên môn của họ.
Có lần anh tâm sự là khi đề cập đến vấn đề “tế nhị” này phải thật sự cẩn trọng, không chỉ gia đình của họ mà còn vì nhiều thế hệ đã từng ngưỡng mộ, kính trọng các danh nhân đó.
Do đó, từ ban đầu, cách đây hơn 10 năm, anh đã gửi in từng kỳ trên Báo Sài Gòn Giải Phóng tuần san như một cách thăm dò. Từ hiệu ứng tích cực của bạn đọc, anh đã viết ròng rã nhiều năm trời. Sau đó, anh chọn in thành sách, tính đến nay sách đã in đến lần thứ 5. Với bản in lần này, anh đã bổ sung thêm hình ảnh mà các tập trước không có. Những hình ảnh này, phải kể đến sự trợ giúp từ phía thân nhân các danh nhân, điều này cho thấy tác phẩm đã tạo được sự tin cậy của gia đình họ.
Với Lê Minh Quốc, bạn đọc nhận ra rằng lâu nay anh đã viết khá nhiều sách ở nhiều thể loại. Riêng qua “Chuyện tình các danh nhân Việt Nam”, tôi nhận ra anh là một người luôn thiết tha yêu cuộc sống, yêu con người. Mỗi âm thanh, mỗi sự việc, mỗi cuộc đời… đều gợi nên trong tâm hồn anh những rung động rạo rực. Anh hào hứng đi giữa cuộc đời, say sưa đi giữa những trang sách để tìm kiếm những hạt ngọc vô giá, những vẻ đẹp thuần Việt mà thời gian vô tình che khuất, để trả lại cuộc sống, trả lại cho mỗi chúng ta những giá trị tuyệt vời của chúng.
Là một người viết chuyên nghiệp, Lê Minh Quốc có tâm hồn nhạy cảm tươi trẻ của một nhà thơ; có trí tò mò, ham hiểu biết của một nhà khảo cứu thâm niên, có giọng kể chuyện rất hấp dẫn của một nhà văn từng trải và sức lao động nghệ thuật của một người luôn có nhu cầu tâm sự. Những phẩm chất ấy hội tụ một cách duyên dáng trong cuốn sách “Chuyện tình các danh nhân Việt Nam”. Bạn đọc có thể tham khảo và thưởng thức những câu chuyện tình đầy lãng mạn và đầy sóng gió với độ tin cậy cao.
Đọc tập sách này, chúng ta có thể thấy được những tình cảm trong sáng, những rung động đầu đời rất mãnh liệt; những mối tình thủy chung son sắt đáng cho đời sau nhớ mãi. Làm sao chúng ta có thể quên được những giai nhân đã góp phần không nhỏ các bậc danh nhân làm nên sự nghiệp lớn? Có thể khẳng định họ là những người lặng lẽ đứng phía sau, nhiều lúc không ghi lại tuổi tên nhưng công đức của họ thật lớn lao. Nếu không có những phụ nữ biết quên mình, biết chịu đựng để lo toan cho chồng như bà Dương Như Ngọc (vợ Ngô Quyền), bà Ba Cẩn (vợ Đề Thám), bà Lê Thị Tỵ (vợ Phan Châu Trinh), bà Lê Thị Lễ (vợ Lương Văn Can)…, liệu các danh nhân này có để lại sự nghiệp hiển hách như ngày nay?
Điều khiến chúng ta cảm động, dù không lưu lại tuổi tên như người tình đầu, người vợ của Vũ Khâm Lân, Cao Bá Quát, Tú Xương… nhưng họ mãi mãi là hình ảnh đáng tự hào của phụ nữ nước Nam ta. Và cũng qua các mối tình này, ta thấy được tấm lòng thủy chung son sắt của bà Đặng Thị Cẩn, Lê Ngọc Hân, Bùi Thị Xuân, Trương Thị Sáu… dành cho người tình đầu, người chồng của họ.
Trong lịch sử đầy biến động của đất nước và của dân tộc, mỗi số phận con người đều trải qua bao nỗi ngọt ngào và cay đắng. Đặc biệt, cuộc đời của những danh nhân - những con người có những ngôi sao chiếu mệnh lớn lao, luôn chứa đựng những mẫu số chung của muôn ngàn người khác. Đọc chuyện tình của họ, bạn đọc sẽ gặp bóng dáng cuộc đời của ông bà, cha mẹ, thậm chí của chính mình trong đó. Soi vào những tấm gương trong sáng tự ngàn xưa, mỗi chúng ta đều cảm nhận được những hương vị, những sắc màu đầy thương mến để ứng xử với hôm nay, với mai sau sao cho đẹp, cho xứng đáng với những gì mà cuộc sống đã ban tặng hôm nay.
ĐOÀN TUẤN (Nhà biên kịch điện ảnh)
Theo báo người lao động