Với người đọc yêu thích thể loại tâm lý – trinh thám, Gam lam không thực gây ấn tượng ngay từ ban đầu bởi một “vụ án” ly kỳ: Trong căn nhà gỗ nằm trên vùng núi hẻo lánh, đám cháy không rõ nguồn cơn chợt bùng lên giữa khuya, Ánh – một người trong số đó, đột nhiên biến mất chẳng dấu vết.
Mọi nghi hoặc, dằn vặt, trách móc dấy lên từ đó, mở đầu cho chuỗi điều tra, truy tìm hung thủ, và chứng kiến nhiều đổi thay trong tâm tính của các thành viên còn lại trong gia đình. Thế nhưng, càng theo dõi tiến trình cốt truyện mới thấy, dường như tiểu thuyết không hướng đến một khuôn mẫu “Conan điển hình”: đưa ra tình huống – phân tích – truy vấn – phá án, như người đọc vẫn nghĩ.
Vụ án không hồi kết chỉ là cái cớ cho toàn bộ câu chuyện cuộc đời. Dù trong nhiều trường đoạn, một số manh mối vẫn được tiết lộ nhưng chỉ để “dẫn dụ” người đọc vào “cái bẫy Kafka” cùng nhiều suy tư, trăn trở về con người, về những cơn ác mộng phi lý, về những người “quyết định cưới ngựa đến làng bên cạnh mà không hề lo sợ” ẩn khuất sau đó.
Đó là một Bằng lầm lì, một Xuân mỏi mệt, một Trương kiên quyết, một Như nhiều bí ẩn, một Thụy lúc nào cũng lạc lõng giữa chung quanh… Tất cả cùng làm nên một bức tranh tổng thể về những mặt người, những nét tính cách khác nhau trong cùng một con người ở từng hoàn cảnh, từng thời điểm khác nhau của dòng đời.
Điều này còn thể hiện ở việc Gam lam không thực được xây dựng trên nền hai tuyến truyện song song, xen lẫn giữa “thực” và “ảo”, đặt trong bối cảnh hoàn toàn phiếm định, không hề xác định được không gian và thời gian chính xác diễn ra mọi diễn biến, tình tiết, chỉ có mỗi không khí tù mù, siêu thực bao phủ, như gam lam ngỡ có thật nhưng cũng chỉ là “sự phản chiếu ánh sáng mà thành”.