Khi bắt tay vào viết tiểu thuyết về Hồ Xuân Hương, tác giả đã có nhiều trăn trở. Trước hết là bởi có rất nhiều giai thoại xoay quanh Nữ sĩ, nhất là mối tình của bà với các văn nhân đương thời. Thứ nữa là những nghiên cứu về cuộc đời và thơ văn của Hồ Xuân Hương rất phong phú, có nhiều ý kiến chưa thống nhất, thậm chí trái chiều, chứa đựng nhiều sự phỏng đoán. Tác giả đã lựa chọn khắc họa chân dung Nữ sĩ Hồ Xuân Hương trở thành biểu tượng cho khát vọng tự do, bình đẳng của người phụ nữ. Xuyên suốt tác phẩm, nhà văn luôn gắn những sáng tác của Nữ sĩ với mạch nguồn văn hóa dân gian và tình người sâu đậm. Ông không chỉ thể hiện được sự dí dỏm, mới lạ trong những sáng tác thơ Nôm của bà mà còn cho thấy nét trang nhã, tài hoa rất mực trong những bài thơ chữ Hán.
Trong tiểu thuyết này, bên cạnh những sự kiện lịch sử xảy ra trong những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, với những con người có thật, tác giả đã sáng tạo nên những nhân vật, hư cấu nên một số câu chuyện. Qua hơn 500 trang sách, tác giả đã chọn lọc, liên kết các sự kiện lịch sử và những giai thoại để kể lại câu chuyện về cuộc đời Nữ sĩ, những cuộc tao ngộ tương phùng, những mong nhớ đợi chờ người thương, những truân chuyên khổ đau mà bà đã trải qua, và cả tinh thần lạc quan “thân này đâu đã chịu già tom” rất Hồ Xuân Hương… Những áng thơ văn của bà và các văn nhân đương thời cũng được lồng ghép khéo léo vào mạch truyện, góp phần quan trọng khắc họa nét tính cách riêng của từng nhân vật.