Từ nhỏ, Sa Đéc đối với tôi nghe quen không hẳn từ bài học địa lý, mà từ những gì nghe thấy trong cuộc sống.
Như bao người dân Nam bộ, từ nhỏ tôi đã thích coi cải lương, nên biết nữ nghệ sĩ có nghệ danh đặc biệt: Cô Năm Sa Đéc hay Bà Năm Sa Đéc. Sau này lớn lên tìm hiểu, tôi mới biết bà tên thật là Nguyễn Kim Chung, sinh ở Sa Đéc, là con thứ năm theo cách tính trong gia đình Nam bộ. Bà lấy thứ và nơi sinh của mình ghép lại thành nghệ danh.
Mỗi lần Tết đến, má tôi đều mua mấy chậu bông cúc, bông thọ về chưng trước nhà, má hay nói: “Mua bông Sa Đéc đẹp mà rẻ,chưng lâu tàn”. Thế là tôi biết thêm chút nữa về Sa Đéc.
Có một thứ rất quen với chị em tôi từ nhỏ là bột Bích Chi bởi má cho nhỏ em tôi ăn hồi nó được ba tháng tuổi. Tôi nhớ lúc má khuấy bột gạo lứt, mấy chị em tôi thường giành nhau vét bột dính nồi và ghiền mùi bột thơm đó.
Cả chục năm má bán tạp hóa ở Biên Hòa cũng bán bột Bích Chi nữa. Thú thiệt thời gian đó thấy má bán bột Bích Chi được lắm, biết nhiều người chuộng, nên nhớ hoài, nhưng không hề để ý coi cái nơi sản xuất ở đâu. Đến lượt mình sanh con, cũng cho con ăn bột gạo lứt lúc ba tháng tuổi và có niềm tin với bịch bột đúng hiệu Bích Chi, chứ cũng chẳng biết tìm hiểu xuất xứ.
Chừng đi làm báo, chuyên mảng thị trường, phải chú tâm đến sản phẩm do công ty nào, ở đâu sản xuất, tôi mới biết bột Bích Chi từ một công ty ở Sa Đéc.
Mãi đến năm 2010, tôi mới thật sự đến Sa Đéc, còn trước đó chỉ là nhiều lần đi ngang qua. Không ngờ từ lần đầu tiên tha thẩn ở Sa Đéc, tôi có duyên được gặp người đã gắn cuộc đời ông với Nhà máy bột gạo lứt Bích Chi từ thuở khai sanh. Những năm sau đó, câu chuyện cứ được tiếp nối từ hồi ức đã phải cất đi mấy chục năm dài của các vị cao niên ít nhiều trải qua bao năm tháng sống cùng cái thương hiệu “Bột Bích Chi” trong niềm vui, nỗi lo và cả sự tự hào.
Tháng 9 năm 2017