Tiểu thuyết Mây ngàn của Vita (1910 - 1956), nhà giáo và nhà văn miền Nam, có thể coi là một loại truyện vừa nổi tiếng một thời, xuất bản lần đầu năm 1936 tại Sài Gòn, sau đó còn được tái bản vài lần, ít nhất được biết vào các năm 1944, 1954, 1966, 1995, tính đến nay, tuyệt bản đã lâu. Chính vì vậy, đối với thế hệ trẻ ngày nay, Vita cùng với Mây ngàn và nhiều tác phẩm rất hay khác nữa của ông trong thời gian khá dài đã bị lãng quên, chỉ được một hai nhà nghiên cứu văn học gần đây nhắc lại, xếp vào chiếu “nhà văn Nam Bộ ít được biết đến”(1).
Tại miền Nam trước năm 1975, nhờ có giá trị văn học cao, ở tính nhân văn trong nội dung và mượt mà, hiện đại trong hình thức biểu hiện, vài đoạn văn trong Mây ngàn đã được trích giảng trong sách giáo khoa Việt văn lớp 7 thời đó, như bài “Nhớ cố hương” là một đoạn văn tả cảnh lồng với tả tình xuất sắc, đáng làm mẫu mực để học sinh và người luyện tập viết văn noi theo.
Ngoài tiểu thuyết tiêu biểu Mây ngàn, Vita còn có 10 tập truyện khác và một tập thơ, nhưng xuất sắc hơn cả có lẽ là hai tập truyện Nhớ thương (1942) và Những cái bóng (1949), với mỗi tập chừng 10 truyện ngắn, bao gồm những đề tài, mẩu chuyện mới xem qua tưởng chừng nhỏ nhặt, giản đơn giữa đời thường nhưng tất cả đều gây xúc động lòng người, khiến ai đọc cũng phải nghẹn ngào, xót thương cho đồng loại. Nhân vật được Vita mô tả hầu hết là những con người sinh động có nghề nghiệp, địa vị, hoàn cảnh sống cụ thể, đa dạng, độc đáo khác nhau, đủ làm phát sinh trong lòng người đọc niềm cảm khái vô hạn, giống như tâm trạng của chính tác giả, về cuộc đời hiện thực đầy rẫy bất công khắp nơi nơi, từ đó cảm thông sâu sắc và nảy ra hoài bão cháy bỏng muốn góp phần làm thay đổi mức sống cho tất cả các tầng lớp bị lép vế trong bữa tiệc chung cuộc đời.
Có thể nói, Vita viết văn với cả một tấm lòng thiết tha với người đời, việc đời mà ông rất mực gần gũi yêu thương, như ông đã từng tâm sự ở Lời nói đầu của lần xuất bản Mây ngàn năm 1944: “Trong những phút tĩnh tâm, chạnh nhớ bạn nghèo khốn đốn, chết vì đói, lạnh, tác giả cảm thấy bùi ngùi vô hạn. Bỗng nhiên, những cảnh tượng đau thương, những mảnh đời vất vả, từ trong ký vãng xa xăm, vụt hiện về ám ảnh…”.
Như trên đã nói, tất cả tiểu thuyết, truyện ngắn của Vita hiện nay vẫn còn ít được người biết đến vì tuyệt bản đã lâu; người nghe nói loáng thoáng đến tác phẩm của ông dù có ý muốn đọc cũng đành chịu, không tìm đâu ra để đọc. Trong tình hình đó và do một duyên may gần đây, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã có cơ hội tiếp xúc được với gia đình tác giả, còn giữ được một số ấn bản cũ của Vita, đây chính là “duyên khởi” của việc tổ chức tái bản một lượt ba tác phẩm tiêu biểu nhất gom chung trong tập sách này, bao gồm Mây ngàn, Nhớ thương và Những cái bóng. Mục đích là để giúp cho độc giả thế hệ hôm nay có được tác phẩm hay để vừa thưởng thức, vừa chiêm nghiệm cuộc sống của người hơn nửa thế kỷ trước, đồng thời cũng để cung cấp tài liệu gốc quý hiếm cho các nhà nghiên cứu văn học sử.
---------------------------------
1.Về cuộc đời và tác phẩm của Vita, có thể xem: (1) Doãn Thị Thúy, “Vita, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác”, Tạp chí Văn hóa và Du lịch, số 22 (76) tháng 3/2015; (2) Phan Mạnh Hùng, “Vita, nhà văn Nam Bộ còn ít được biết đến”, Tìm trong di sản phương Nam, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Quý IV, 2016.
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH