“Hậu khảo cổ”- người phụ nữ đẹp có cái tên lạ gắn với nghề nghiệp - đi nhiều như nghề báo và du lịch. “Đặc điểm nghề: tinh vi để nhận ra những gì đặc biệt trong một sự kiện hay một cảnh quan… hay note vào sổ tay. Có nhu cầu viết… nhưng là nhà văn thì chắc không phải. Nghiên cứu nhiều hơn, nhìn mọi việc tương đối khách quan. Đôi khi… quá tỉnh táo…”. - Chị tự nhận thế.
Có lẽ nhiều người đọc những bài chị viết cũng thường nghĩ thế. Vậy nên mới có sự bất ngờ khi đọc cuốn sách này - cuốn sách bộc lộ rõ cho người đọc được “hưởng lợi” từ xúc cảm nhân văn tinh tế và lắng hồn mình lại trong cuộc sống ào ạt hôm nay.
Chúng ta đã quen với chủ đề “gần nghề nghiệp của Hậu khảo cổ” như nói về di sản kiến trúc, đô thị, các di tích khảo cổ. Nhưng chị không nói thuần dưới góc độ chuyên môn mà luôn có cảm nhận rất tinh tế từ những chuyện nhỏ như sinh hoạt của người Hà Nội xưa hay uống nước chè chén vỉa hè, trời lạnh, khách quay quanh bà bán hàng như một nhóm trò chuyện. Người Sài Gòn cà phê… nhìn ra đường nắng ấm khoáng đãng… Đặc điểm con người và thói quen sinh hoạt hiện ra khá chi tiết như góc nhìn của một nhà văn.
Một trong những điều bất ngờ chính là đây. “Hậu khảo cổ” viết hay như một nhà văn chuyên nghiệp.
Cũng là người… hay đi, cũng xách ba lô lên đi đâu đó nhưng Hậu khảo cổ không miêu tả trải nghiệm du lịch, mà chị thực sự sống ở đó dù chỉ là đi qua. Ngồi ở sân bay. Sân ga và những chuyến tàu. Trạm phi mã. Nhớ Huế. Đoản khúc Hà Nội… dễ nhận ra từ những đoản văn này những gì quen thuộc như chính mình cũng từng đi qua. Ở Mỹ là lối sống bước vội ăn nhanh, cốc cà phê trên tay trông luôn khẩn trương, cuộc sống Paris thì chậm rãi cà phê vỉa hè nhàn tản… Cảnh quan trong những bài viết của chị không chỉ là sự miêu tả lại mà nó làm cho người đọc được lắng sâu trong những xúc cảm tinh tế thoáng hiện rồi lướt đi ngay không dừng lại lâu. Ánh mắt chị nhìn vào tất cả, từ cái bậc thềm nhà lạ đi qua chẳng bao giờ còn gặp lại chẳng biết ai sống ở đó - đến những giao tiếp dù vội vã không cần nhiều ngôn ngữ mà đọng thương nhớ giữa con người.
Làm việc “trọn đời tới lúc nghỉ hưu” với công việc ở Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu lĩnh vực văn hóa xã hội, quan tâm đến kiến trúc, di sản, đô thị… Nguyễn Thị Hậu còn tham gia giảng dạy Đại học và viết “như nhu cầu tự nói với mình” với mong muốn được mọi người chia sẻ, cùng có ý thức công dân hơn trong các vấn đề xã hội.
Mong ước ấy, kiến thức và trải nghiệm rộng rãi của chị chắt lọc ra những bài viết mà chúng ta sẽ đọc với những sâu lắng, ngạc nhiên và cảm động.
Cuốn sách mới của Nguyễn Thị Hậu Mỗi ngày ta sống có ba phần theo ba chủ đề, nhưng cách viết của chị thì khó phân định rạch ròi đâu là tản văn đâu là tạp bút, bài nào “chính luận” hay bài nào tùy bút, ghi chép. Là bởi ở bất cứ chủ đề nào, chị cũng để lại cho người đọc - bên cạnh những thông tin mang tính khoa học, những lập luận “đáo để” - rất nhiều cảm xúc.
Với tôi, “Hậu khảo cổ” là cây bút vào loại “hot” trên truyền thông hiện nay.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 5.2019Nhà văn NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI