Nhan đề Những năm tháng nhọc nhằn (*) có thể chưa bao quát hết ý tứ trong cuốn tiểu thuyết 200 trang của Lê Văn Thảo, không chừng còn làm giảm sức hấp dẫn của nó.
Ðành rằng cuốn tiểu thuyết nói về tuổi 20 nhọc nhằn trong đời thực, nhọc nhằn cả trong những giấc mơ, nhưng đó cũng là tuổi 20 băn khoăn tìm kiếm hướng đi trước "vực thẳm và hi vọng".
Một nhóm bạn bốn người từ dưới tỉnh lên Sài Gòn học bốn trường khác nhau nhưng cùng ở trọ chung một nhà, lập thành "tứ trụ triều đình". "Triều đình" này dựng lên giữa một thời buổi nhiễu nhương, "nhà tù nhiều vô số kể", "xác tù vượt ngục bị bắn chết có tới hàng trăm". Tuổi 20 của họ không chỉ trải nghiệm giảng đường, quán cà phê, rạp chiếu phim... mà còn chứng kiến cảnh bắt bớ, giam cầm, thủ tiêu, trại lính, nghĩa trang, nhà thương thí...
Cuối những năm 1950, Sài Gòn như bị đè nặng dưới áp suất của những đám mây tích điện, chuẩn bị cho một cơn dông. Những mâu thuẫn xã hội âm ỉ đang chờ bộc phát. Nhìn Sài Gòn bề mặt: những gã lính Mỹ trước "vung vẩy lon Coca hello với người đi đường", nay "mặt mày cau có, đăm chiêu" trên những chiếc xe Jeep xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố. Dân Việt thì lo âu, sợ sệt lẫn nghi ngờ; người giàu có tìm đường ra nước ngoài; người bất hạnh "chết âm thầm tức tưởi, muốn đầu thai cũng không được".
Nhìn Sài Gòn bề sâu: người thầy giáo thuần thành gặp tai vạ chỉ vì những bài giảng về lịch sử; người đàn ông chải nón nỉ ăn bận bảnh bao mà làm việc lớn có thể nguy hiểm đến tính mạng; ông già kéo xe hào hiệp cứu người; cô gái con nhà giàu đi chiếc xe Vélo Solex đen, "máy đặt phía trước như quày dừa nước", tấm lòng từ ái mở ra như một đóa sen...
Mỗi người một số phận, nhóm bạn đó đi qua cái thời của mình với những đắng cay ngỡ ngàng và những tấn thảm kịch. Tân được nuôi dưỡng trong tình yêu vừa nhen nhóm với Quyên và Thắm, hai người con gái làm anh phân vân về ứng xử nhưng không phân vân về lẽ sống. Nghĩa rớt tú tài hai, tìm đến núi Cấm nương nhờ nơi cửa Phật để bảo trọng thân mình. Quân, con người thực tiễn, ít nói nhưng chăm chỉ, tháo vát, luôn giúp đỡ bạn bè. Khiêm rơi vào khủng hoảng từ một bước đi sai lầm, trở nên ngây dại khi người yêu bị hãm hại, đã tự giải thoát cho mình bằng cái chết thảm khốc.
Dõi theo số phận của các nhân vật, nhà văn dẫn người đọc đi qua nhiều bối cảnh: 18 thôn vườn trầu Hóc Môn, vùng xôi đậu Củ Chi, những con đường đèo dốc Ðà Lạt, khu nghĩa địa âm u gần Lăng Ông, nhà tù đầy ám khí ở Chí Hòa, Côn Ðảo...
Lê Văn Thảo có ý thức kết hợp cốt truyện phiêu lưu với môtíp thám tử điều tra để lôi cuốn bạn đọc. Vì vậy cuốn tiểu thuyết có thể đọc một mạch không dừng. Tác giả không sa vào phân tích tâm lý dài dòng, những chỗ dùng chữ số đánh dấu các sự kiện có dụng ý đẩy nhanh tốc độ câu chuyện.
Những đoạn chuyển cảnh với nhịp độ nhanh gây cảm giác giống xem một cuốn phim hành động, như chương tả khu nghĩa địa và trận đòn tàn bạo mà Tân hứng chịu. Tuy vậy cũng có chỗ tác giả lạm dụng yếu tố ngẫu nhiên làm lộ rõ sự sắp đặt, ví như việc bố trí cho những đồng ngũ của Khiêm hăng hái đi tìm tung tích những người tù vượt ngục.
Viết chuyện thời thế xã hội, Lê Văn Thảo không nhằm câu khách nhưng tác phẩm vô hình trung có đủ cả chuyện "tình, tu, tù, tự tử". Dưới thời nào đó cũng là những chuyện đáng nói. Có điều đáng tiếc là nhà văn kể chuyện tình yêu hiền quá. Từ hồi nào tới giờ, kể cả khi viết Câu chuyện tình yêu, hầu như ông không tính rằng tình yêu tất yếu đi liền với tính dục. Ðó là ưu điểm hay nhược điểm của nhà văn?
Lê Văn Thảo hay tả những ngày mưa mà ông gọi là "mưa già", thường vào tháng 10 ở Nam bộ, mưa như trái cây cuối mùa. Tuổi trẻ của Tân và bạn bè đi qua những cơn mưa già như thế. Cuốn sách này là cách trả nợ cho những năm tháng tuổi trẻ, trả nợ cho những cơn mưa già. Phân tích sâu những năm tháng đó có thể lý giải sự chọn lựa có ý nghĩa bước ngoặt, mở đầu cho một hành trình mới.
Hơn nửa thế kỷ nhìn lại một cuộc chọn lựa với những chuyến ra đi, thực chất đó là gì? Cuộc đời riêng và cuộc đời chung được gì, mất gì từ sự chọn lựa đó? Phải chăng thật sự "không có chỗ cho con đường thứ ba"? Tiểu thuyết, như một cuốn sách mở ngỏ về đời sống, gợi ý những lý giải mới dưới ánh sáng của ngày hôm nay.
Năm ngoái Lê Văn Thảo in Lên núi thả mây, tập truyện có nhiều dư vị. Năm nay, Những năm tháng nhọc nhằn ra mắt, cùng lúc Mảnh sót lại của chiến tranh, một thiên truyện vừa về thời hậu chiến, được công bố trên tạp chí Nhà Văn. Trong thế hệ nhà văn cầm bút ở độ tuổi trên 70, hiện không mấy người có được sức viết như ông.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG (Nguồn: tusach.tuoitre.vn)