Quán thủy thần
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2019
Tác giả: Nguyễn Hải Yến
Nguyễn Hải Yến
Quê quán: Lam Sơn, Thanh Miện, Hải Dương.
Hiện là giáo viên trường THCS Thị trấn Gia Lộc, Gia Lộc, Hải Dương
Quán thủy thần
Không tình cờ, 10 truyện, 200 trang in “Quán Thủy Thần” của Yến, truyện nào cũng buồn, dù nỗi buồn có khi đến thắt ruột, có lúc lại sáng trưng, nhẹ thênh, trong vắt, thì mọi cung bậc buồn đau của các nhân vật của Yến, rốt cuộc, cũng dẫn về cái bi kịch của sự phát triển xã hội Việt, hôm qua, hôm nay. Và có lẽ còn dài dài về sau, như bài toán mà người Việt phải giải quyết về văn hóa và phát triển số phận dân tộc mình, trong sự tích hợp văn hóa toàn cầu đầy khốc liệt và phức tạp của thế kỷ 21.
Dường như muốn yên ủi, làm nhẹ bớt sự bi thảm, Yến cố tình đặt cho mỗi truyện ngắn buồn thương của mình một cái tên đẹp đẽ, lãng mạn, với gió, mưa, sương mờ, trời xanh mây trắng, rồi cỏ cây hoa lá: hoa đại đỏ, hoa mơ dại, hoa mẫu đơn trắng, hoa gạo đỏ, rồi giếng mắt rồng, đò giang sông nước, quán xá ven bờ v.v… Và bao trùm trên hết là những câu chuyện đời người đầy đau đớn, khốn cùng, khổ ải bởi chia ly, bởi nhầm lẫn, bởi tuyệt vọng và hy vọng. Và dường như, truyện của Yến còn vương vấn cả tiếng thở dài xót thương của thi hào Nguyễn Du, trong “Truyện Kiều”:
Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc phận cũng là lời chung. Dường như vì thế mà số kiếp của tất thảy nhân vật nữ trong hầu hết truyện ngắn của Nguyễn Hải Yến đều không thoát khỏi kiếp lênh đênh trong bể khổ, khổ từ cái thai nhi con gái trong bụng mẹ (mẹ phải bỏ thai vì lần thứ ba vẫn sinh một bề con gái), cho đến người thiếu nữ bị xe cán chết trên đường về nhà, rồi đến người vợ bị bạc tình, bị đánh đập vũ phu, bị khinh rẻ, chà đạp, đến cả mẹ chồng, mẹ vợ là những bà lão… cũng không thoát khỏi kiếp lầm than. Nhưng may mắn thay, họ được là nhân vật truyện ngắn của
Nguyễn Hải Yến. Họ được người viết yêu chiều, nựng nịu, san sẻ, cảm thông, kể cả ghét bỏ vì quá tàn ác, bạc bẽo, thì cũng được người viết dành cho sự lý giải thông suốt và cho họ ân hận trong sự hồi tâm. Tất cả những chuyện đời đau khổ, quá ít sướng vui của họ được Yến kể lại bằng một giọng kể thật đôn hậu, ấm tình, từ một điểm nhìn riêng thiết tha thương cảm của Yến, nên Yến đã chọn được những tình huống truyện đắc địa, vừa xinh cho thông điệp muốn gửi gắm. Và xâu chuỗi được rất nhiều chi tiết văn xuôi có giá trị đắp nổi tính cách nhân vật.
Nguyễn Hải Yến quả là một tài năng quan sát đời sống thôn quê và đời sống thị thành không chỉ của vùng châu thổ Bắc Bộ, trong cơn cựa mình mạnh mẽ, tiến lên “công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa” của xã hội Việt Nam hiện đại…
…
Tôi thích những đoạn văn ấm, lênh láng và chi chít những chi tiết lạ, được xâu thành chuỗi óng ánh màu riêng truyện ngắn Nguyễn Hải Yến, như một đoạn văn, trong truyện hay nhất tập: “Quán Thủy Thần”. Sau đề từ đong đầy ý nghĩa khai mở: “Tháng ba ngủ trên triền sóng/ Khát hoa gạo lưng trời/ Xô bến cạn vỡ thành muôn mảnh/ Soi mảnh nào cũng thấy trùng khơi…”,
Yến viết ngay ở phần I, miêu tả ngôi làng có quán Thủy Thần: Từ làng tôi ra cửa sông phải đi qua một con đường đất gồ sống trâu xuyên cánh đồng, bốn mùa hun hút gió. Đến cuối đường, nếu quay đầu nhìn lại sẽ thấy làng mạc tan thành vệt xanh lơ, những hôm ẩm trời lẫn cả vào màu mây đang sà xuống lan như khói, sẽ thấy mình cô đơn đến ngộp thở giữa sắc màu đơn điệu không biết là đất hay là trời nếu như mắt không tìm thấy một điểm dừng – một cây cầu quán cũ, nền đất cao vượt hẳn lên, lặng thinh nằm bên gốc gạo già buông bóng sừng sững, mái ngói âm dương xô từng mảng, quanh năm gió đồng hút qua khe hở chiếc mõ dài hình con cá gỗ treo phía trong cột quá, nghe u u vang và lạnh như tiếng sáo thủy thần”.
Cách tác giả dẫn chuyện dễ thương này quả đã đạt đến giấc mơ mà tác giả mơ màng ngay trong đề từ “Quán Thủy Thần”: Soi mảnh nào cũng thấy trùng khơi…
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái