Một người mẹ trẻ bị sẩy thai khi bào thai gần năm tháng tuổi - một thiên thần đã về trời. Bệnh viện (tại Paris) cử một bác sĩ tâm lý để an ủi, vỗ về người mẹ và đề nghị gia đình đặt tên cho bé để làm thủ tục giấy tờ bởi theo luật ở Pháp, bào thai trên ba tháng tuổi đã được xem là một con người. Bệnh viện còn cho hay, nếu muốn, gia đình có thể nhập hộ khẩu danh dự cho bé bởi vì "dù đã về trời, bé cũng cần có một địa chỉ nhà cùng gia đình để ấm lòng, dù chỉ mang ý nghĩa tinh thần". Kể lại chuyện này, tác giả - bà nội của cháu bé ấy - đã thốt lên: "Mỗi việc làm của họ sao đầy tính nhân văn đến thế! Chỉ một chút cố gắng nghĩ và làm vì con người thôi, vậy mà các bệnh viện của chúng ta chưa làm nổi. Sao vậy?" (Thiên thần đã về trời - Mộc An).
Sao vậy? Câu hỏi của Mộc An cũng là nỗi băn khoăn thao thức của nhiều tác giả trong tuyển tập tạp văn này. Vì sao trong xã hội hiện nay nhiều người cư xử một cách tàn tệ, vì sao cái xấu cái ác vẫn cứ lan tràn đi liền với căn bệnh vô cảm đang ở mức báo động? Không cần tìm đâu xa, cứ giở tờ báo hàng ngày hoặc chịu khó quan sát ngoài đường phố cũng đủ thấy rõ. Ghi nhận, tường thuật các sự việc, hiện tượng - đó là công việc đưa tin; nhưng đi sâu tìm hiểu gốc rễ của "những điều trông thấy" đó thì không thể không phân tích, luận giải những méo mó, trục trặc trong đời sống văn hóa, đạo đức xã hội hiện nay. Có điều khác với những nhà nghiên cứu, góc nhìn và cách thể hiện của những nhà văn, những tác giả trong tuyển tập này là sự kết hợp giữa cái sắc sảo của luận giải và sự lay động của cảm xúc, hình tượng. Do vậy, đọc Thiên thần đã về trời, ta có cảm giác vừa quen vừa lạ: "quen" với các sự kiện, chuyện thời sự thường ngày và lạ ở góc nhìn, cách nói, ở những phát hiện phần chìm, bề sâu của sự việc.
Đó trước hết là những bất thường, nghịch lý đau xót trong đời sống văn hóa khi mà đồng tiền và sự mê muội dẫn đến nạn "buôn thần bán thánh", phô trương lố bịch, tham lam đến vô liêm sỉ... (Ở nơi mà lẽ ra đồng tiền phải dừng lại, Đẳng cấp là đẳng cấp nào? - Đoàn Khắc Xuyên; Lễ và quá lễ - Nguyễn Quang Thân...). Và, nguy hại hơn nữa là sự suy thoái các giá trị đạo đức với căn bệnh vô cảm trước nỗi khổ con người, lối sống ích kỷ, cách hành xử độc ác, phá hoại mội trường thiên nhiên (Hoang mang ta hỏi trời cao - Nguyễn Ngọc Tư; Con người biến đổi - Dạ Ngân; Nỗi sợ hãi tự do - Thanh Hương...).
Nhưng không chỉ có vậy, với những mảng màu sáng xen kẽ, Thiên thần đã về trời còn mang lại cho người đọc những rung động sâu lắng của tình người, tình yêu thiên nhiên, cuộc sống qua những trang viết nhẹ nhàng, nhiều chất thơ của các cây bút: Lý Lan, Quế Hương, Ngô Thị Giáng Uyên, Lưu Thị Lương, Nguyễn Thanh Sơn...
Nếu Thiên thần đã về trời có thể gửi gắm một điều gì đó thì là: đừng để cái xấu, cái ác trở thành điều bình thường trong xã hội và hãy thật sự quý trọng và bảo vệ những giá trị nhân văn.