Hiếm có một tác phẩm văn học nào trên thế giới lại có một sinh mệnh kỳ lạ và thú vị như Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm này được Nguyễn Du cải biên, sáng tác dựa trên cốt truyện của tiểu thuyết Hán văn bạch thoại Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, một nhà văn không rõ nguồn gốc xuất thân, tên tuổi, sống đầu đời nhà Thanh bên Trung Quốc với tiểu thuyết hoàn chỉnh dài 20 hồi mang tên Kim Vân Kiều truyện.
Bộ tiểu thuyết này gần như bị khuất lấp bởi nhiều bộ tiểu thuyết chương hồi đồ sộ khác ra đời trong thời kỳ Minh - Thanh như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử truyện, Tây du ký, Hồng lâu mộng, Liêu trai chí dị, Nho lâm ngoại sử... Thế nhưng, khi được lưu truyền rộng rãi trong khu vực văn hóa chữ Hán, ở Nhật Bản nó được phiên dịch nhiều lần và cải biên thành tiểu thuyết Kim ngư truyện; còn ở Việt Nam, Nguyễn Du đã sử dụng một cách điêu luyện ngôn ngữ dân tộc để cải biên thành Đoạn truồng tân thanh, hay Kim Vân Kiều truyện, Truyện Kiều. Chúng là những sinh mệnh mới độc lập với tác phẩm cũ, mang một sức sống trường cửu gắn liền với nền văn hóa của từng dân tộc, điều mà những bộ tiểu thuyết đồ sộ khác không dễ làm được.
Nghiên cứu về Kiều xưa nay sách vở phong phú như lá rừng, bài viết thành kho, đủ khía cạnh, đủ vấn đề từ nội dung đến hình thức, từ triết lý trừu tượng đến con đường lưu lạc cụ thể của nàng Kiều bất hạnh.
Nhưng chưa độc giả nào đặt thành một vấn đề lớn như: Người dân Nam Bộ có yêu thích Truyện Kiều không? Và họ muốn thưởng thức tác phẩm ấy như thế nào?
Để trả lời cho câu hỏi này, xin mạn phép mời quý độc giả thưởng thức Truyện Kiều ở Nam Bộ qua tìm tòi và nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thanh Phong (thế hệ 8x)