Đối với người Việt, nói - viết có vần có điệu là bình thường! Có thể chính điều đó mà các giáo sĩ phương Tây khi lần đầu nghe người Việt nói đều có nhận định chung là “người Việt nói như hát”.
Trong dân gian đến nay còn lưu truyền nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, hò, lý… đều ở thể văn có vần điệu. Từ đó có thể nhận định rằng: Nói - viết có vần có điệu là “bản chất” của người Việt. Dĩ nhiên, đây cũng là nhận định phiến diện, chưa có sự nghiên cứu, đúc kết. Rất mong các vị thức giả góp ý thêm.
Văn vần là thể văn chiếm vị trí quan trọng trong văn học Việt Nam từ giữa thế kỷ XX trở về trước. Quan trọng không phải người Việt xưa không biết viết văn xuôi mà vì nhu cầu phổ biến. Bất cứ một tác giả nào, khi cho ra đời một tác phẩm đều có nhu cầu phổ biến, xưa nay đều vậy. Và dù mỗi tác giả đều có cách phổ biến riêng, song mẫu số chung vẫn là làm thế nào để tác phẩm đến được với công chúng đương thời. Bởi nếu tác phẩm viết rồi, thậm chí in rồi để nằm trong nhà riêng của tác giả thì đời đời không ai biết tới, vậy viết làm gì, in làm gì cho phí của!
Cho đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chữ viết chánh thức ở nước ta là chữ Hán và chữ Nôm, là loại chữ tượng hình rất khó học. Để có thể có một số vốn chữ kha khá phải cần tới mười năm học hành chăm chỉ. Còn muốn giỏi chữ Nôm thì cần phải thật giỏi chữ Hán. Do vậy người biết chữ ngày xưa, đa số là người có tiền, ở tầng lớp trên và hầu hết là đàn ông. Hầu hết học chữ để ra làm quan, nếu có thể, thì mười người được đi học sẽ có một người đỗ đạt làm quan. Số còn lại trở về bản quán làm thầy (thầy đồ, thầy thuốc) sống qua ngày. Số người được đi học, vì tốn kém khá nhiều, không phải gia đình nào cũng có thể cho con đi học, chỉ chừng 5 đến 10% dân số. Do đó, tuyệt đại đa số dân chúng đều mù chữ nên hầu hết việc phổ biến tác phẩm văn học đều bằng con đường truyền miệng. Và văn vần là phương pháp truyền bá văn chương dễ dàng nhất.
Văn vần dễ nghe, mau thuộc lòng. Người đọc có thể đọc, hát, ru hoặc ngâm nga để thuộc lòng tác phẩm mới và truyền cho người khác. Ở miền Nam có “nói thơ Vân Tiên” là một cách ngâm thơ gần với “hò” hay “kể chuyện” có thể phổ biến cả một truyện thơ dài hàng ngàn câu mà người nghe không chán. Có thể tác phẩm Lục Vân Tiên đã phổ biến bằng cách nầy trước khi được chép thành văn bản rồi in ấn.
Tuy phổ biến chủ yếu bằng truyền miệng, nhưng những tác phẩm của người xưa được chính tác giả hoặc bạn bè, hoặc người lớp sau biết chữ chép lại và gìn giữ. Nhờ đó mà ngày nay chúng ta có được nhiều tác phẩm quí giá như Lục Vân Tiên, Truyện Kiều... chẳng hạn.
Nửa cuối thế kỷ XIX trở đi, ở Nam kỳ lục tỉnh nay là khu vực Đông và Tây Nam bộ, người Pháp đã cho phổ biến chữ quốc ngữ trong dân chúng, thứ chữ do các giáo sĩ đạo Thiên chúa sáng tạo ra từ những thập niên đầu thế kỷ XVII. Đặc điểm của chữ quốc ngữ là ghi nhận ngay tiếng nói của người Việt, dễ học và có thể ghi chép được tất cả những sự vật, hiện tượng xảy ra trong đời sống.
Thế mạnh của chữ quốc ngữ là chỉ cần học vài tháng là có thể biết được chút ít viết và đọc. Chữ quốc ngữ cũng giúp người Việt thuở ấy bỏ lại sau lưng những tứ thư ngũ kinh, thoát khỏi những gò bó của tư tưởng Khổng tử, Mạnh tử trong phương diện học hành. Dù có nhiều phản ứng tiêu cực từ phía dân chúng trong thời kỳ đầu nhưng số người biết chữ mỗi ngày mỗi nhiều hơn và văn xuôi bắt đầu xuất hiện. Dù vậy, văn vần vẫn có chỗ đứng riêng trong lòng người Việt, một phần vì thói quen để lại từ cha ông, một phần vì cũng còn nhiều người không biết chữ, nhứt là phụ nữ.
Ban đầu, từ năm 1865 đến 1881, các tác phẩm văn vần quốc ngữ không nhiều. Có thể đây là thời kỳ đẩy mạnh việc học chữ quốc ngữ, cần văn bản để người học dễ nhận biết mặt chữ và ít người sáng tác. Song từ năm 1882 trở đi, văn vần trở lại một cách mạnh mẽ. Ngay trong “Quảng văn thí cuộc”, cuộc thi văn học quốc ngữ đầu tiên do báo Nông Cổ Mín Đàmtổ chức năm 1902, thực tế là một cuộc thi thơ!
Đến thập niên thứ hai của thế kỷ XX, văn vần dần mất thế so với văn xuôi. Và đến nay có lẽ chỉ còn nằm trong đầu hoặc trong tủ của các nhà thơ, bởi ít ai đủ “can đảm” ngồi đọc một cuốn tiểu thuyết bằng văn vần dài một hay hai ngàn câu!
Khi thực hiện loạt sách Văn chương Sài Gòn 1881-1924, chúng tôi cũng băn khoăn khi nói đến văn vần. In thành sách thì không biết có đến được tay độc giả không bởi ngày nay mọi người đều quen đọc văn xuôi. Không in thì sẽ là nói không trọn vẹn về nền văn chương mà cha ông đã bỏ nhiều công sức gầy dựng. In thì lấy loại nào, bỏ loại nào? Bởi có quá nhiều thể loại: truyện thơ, tiểu thuyết thơ, xướng họa, phú, phóng sự thơ, ghi chép, tức cảnh...
Cuối cùng, cuốn Văn chương Sài Gòn 1881 – 1924, tập 5 với tựa đề Đèn điển khí được hoàn thành để người đọc hôm nay thấy được toàn cảnh văn học ở Sài Gòn, ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX như thế nào. Người nghiên cứu đi sau có thể có trong tay một phần nào đó về văn học Sài Gòn trong thời kỳ phôi thai chữ quốc ngữ, thấy lòng quyết tâm của người sáng tác chữ quốc ngữ ban đầu thuở xưa mong muốn phổ biến chữ quốc ngữ ra sao. Cũng để thấy con đường đi tới của chữ quốc ngữ không chỉ bằng phẳng mà phải trải qua “ba sôi hai lạnh” mới trở nên ngọt ngào như hôm nay.
Những tác phẩm được chọn trong cuốn sách này gồm đủ các thể loại được tuyển chọn mang tính đại diện và đặc sắc để bạn đọc thấy và hiểu được một cách khái quát mảng văn chương bằng văn vần của chúng ta trước đây. Hầu hết các tác phẩm đều đã được đăng trên các tờ báo tiếng Việt như Gia Định Báo, Nam Kỳ nhựt trình, Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn, Nam Kỳ Địa Phận...Và cũng như những cuốn trước, chúng tôi tôn trọng nguyên ngữ của tác giả, chỉ điều chỉnh các dấu hỏi, ngã cho hợp thời, đồng thời đánh dấu... sau các chữ mà cách viết khác với ngày nay, như thoàn [thuyền], ngãi [nghĩa]... Để chú giải những từ ngữ trong sách này, chúng tôi chủ yếu dựa vào cuốn Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của.
Điều hiển nhiên rằng, công việc lựa chọn này không thể tránh khỏi những sai sót, rất mong nhận được sự góp ý của các bậc thức giả.
Trần Nhật Vy
Tháng 1/ 2017- tháng 12/2019