Với tác giả, một người lập nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh nay vừa tròn hai mươi năm, Tết không chỉ là lúc được gần gũi gia đình, thăm nom họ hàng sau một năm dài đằng đẵng mà còn là dịp ngắm nhìn những dòng sông quê hiền hòa chảy mênh mang, những con kênh xanh mướt bên bóng dừa, cùng bầy vịt lội bì bõm vào những buổi chiều gió chướng thổi lồng lộng trên con đường quê thanh bình. Tết là cơ hội để gặp gỡ, ăn uống, trò chuyện và tâm tình, đồng thời có thêm thời gian hòa mình cùng những sắc màu hoa lá, cây cỏ rất đỗi bình dị của thiên nhiên quê nhà. Phải chăng điều đó giúp tâm hồn chúng ta trở nên trong trẻo, lắng đọng nhiều kỷ niệm đẹp, trân trọng tình nghĩa họ hàng và quê hương, vui mừng chào đón một năm mới an yên, hài lòng với những gì mình đã có?
Bên cạnh đó, nghề nghiệp gắn với việc đi đây đi đó nhiều, tác giả có cơ hội trải nghiệm không khí đón Tết ở nhiều miền quê Nam bộ như Lái Thiêu, cù lao Bạch Đằng ở Bình Dương hay mảnh đất Ba Tri – nơi chôn nhau cắt rốn của mình và miệt vườn Cái Mơn nổi tiếng, hoặc đi đến tận cửa sông Ông Đốc của mảnh đất Cà Mau – nơi cuối cùng của đất nước. Nhờ vậy, tác giả nhận ra văn hóa Tết mỗi nơi có sắc thái riêng, bức tranh Tết Nam bộ dần hiện rõ bằng nhiều gam màu tươi tắn đan xen giúp tạo nên tính đa dạng với các không gian Tết quê chính ở vùng đất phương Nam. Đọc những trang viết nói về tục chưng mai, hoa vạn thọ, văn hóa ẩm thực ngày Tết, bánh tét, mứt tết, mứt gừng tết ở Nam bộ giúp độc giả sẽ cảm nhận rõ hơn điều đó.
Đọc “Về quê ăn Tết” của Dương Hoàng Lộc, ta không chỉ tìm về với hồn quê với những kỷ niệm êm đềm về tuổi thơ trong sáng một thời, mà nó còn là một động lực thôi thúc tất cả chúng ta phải biết trân quý, gìn giữ hồn quê và phải có trách nhiệm tạo ra những ký ức tốt đẹp của những mùa Tết quê tươi đẹp trong tâm hồn con cháu chúng ta nữa.