Tên thật là Dương Đại Tâm
Quê quán ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.
Ông là người nổi tiếng được biết đến ở nhiều lĩnh vực, vừa là nhà văn, vừa là nhà báo và đặc biệt là nhà viết kịch, viết cải lương.
Các tác phẩm của nhà văn Ngọc Linh do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành: Như hạt mưa sa, Đôi mắt người xưa, Mưa trong bình minh, Yêu trong hoàng hôn.
Yêu trong hoàng hôn
Trích đoạn:
(1)
Anh Bình thân mến,
Em không thể ở lại thêm phút giây nào nữa, vì em không còn đủ can đảm để giấu giếm anh một chuyện đau lòng.
Cô Thanh sẽ thay em mà nói sự thật. Chừng đó anh mới hiểu được nỗi khổ tâm của em trong ngày nay.
Đi hay không? Nói thật hay giấu giếm suốt đời? Những câu hỏi đó cứ ám ảnh em luôn suốt đêm rồi.
Riêng đối với anh! Không hiểu tại sao em còn đem lòng thương yêu làm chi nữa. Bao nhiêu lần, em xua đuổi hình bóng của anh ra khỏi tâm hồn em, nhưng mà không được.
Cái dáng nghiêm nghị, tâm hồn thanh cao của anh bắt buộc em phải nhớ tới… với tất cả niềm yêu kính sâu xa.
Chúng mình gặp nhau quá muộn phải không anh? Vậy mà dây oan trái còn ràng buộc lấy chúng ta!
Từ đây, chắc là xa nhau vĩnh viễn, nhưng cho đến khi sức cùng lực tận, em vẫn không quên anh đâu.
(2)
Yến Ngọc liếc mắt ngó nàng rồi cúi xuống. Đôi mắt đen và dài của thiếu nữ gợi nàng nhớ đôi mắt của Tư Hạnh, chàng thanh niên mà nàng hết dạ yêu thương trong những ngày xa xưa ở quê hương.
Những ngày đó đã chìm sâu vào dĩ vãng, nhưng trong lòng nàng vẫn còn lưu dấu những kỷ niệm khó phai mờ.
… Thuở ấy, Thanh còn là nữ sinh trường áo tím, còn Hạnh vừa đỗ bằng Thành chung và mới rời trường Trung học Lê Bá Cang. Họ quen nhau vào những ngày đầu kháng chiến, dân mình còn chống thực dân bằng tầm vông vạt nhọn.
Nhiệt thành yêu nước, ý thức được trách nhiệm của mình trước họa xâm lăng, cả hai đều gia nhập tổ chức Thanh niên Tiền phong.
Từ đó, họ có dịp sống gần nhau, nên đã cảm thông tánh tình, đức độ.
Tình yêu đến với họ lúc nào không biết, nhưng cả làng đều đồn đãi chuyện hai người. Có lẽ tại hai người rất xứng đôi và ai nấy đều muốn có sự tác hợp đó!
Rồi quân Pháp chiếm Vĩnh Long, súng nổ vang trời dậy đất. Trong làng, các gia đình khá giả đều rục rịch tản cư.
Hạnh theo đoàn quân kháng chiến, trong lúc Thanh lại cùng gia đình tản cư ngược ra thành phố để tránh tai họa bất kỳ.
Hai người bặt tin nhau một thời gian khá lâu: gần năm sau mới liên lạc thơ từ được.
Hạnh vẫn yêu nàng, còn Thanh tiếp tục học thêm và quyết lòng chờ đợi ngày người yêu trở lại!
Chàng càng đi xa, tin tức càng vắng và sau cùng bặt luôn.
Năm năm sau, Thanh được tin Hạnh đã lấy vợ và có con. “Tiểu gia đình” của chàng đã trở về Cái Muối!
Thật như sét đánh ngang tai! Nàng khóc mấy đêm dài, trong lòng oán hận kẻ bội bạc đã làm dang dở tình nàng.
Thanh thi vào nhà thương Từ Dũ để học khoa sản phụ, tâm hồn luôn luôn nuôi dưỡng mối hận đối với đàn ông!
Nàng quyết không lấy chồng, nên gặp những sinh viên y khoa sắp ra trường tỏ tình thân thiết, nàng “lạng” ra hết, không chút ân hận.
Thanh thường phổ biến quan niệm của mình với các bạn: “Đàn ông, họ yêu không cần suy nghĩ trước nên dễ quên, còn đàn bà, con gái chúng mình quá thận trọng nghĩ suy, nên suốt đời vẫn nhớ!”.
Trên “lý thuyết” các cô bạn đều hoan nghinh quan niệm của Thanh, nhưng trong thực tế họ đều “phản bội” nàng!...
Cuối niên học, kiểm điểm lại, chỉ có mình Thanh là “đơn chiếc”… Hầu hết đều hứa hẹn hay là có người yêu.
Thanh càng thua buồn và chán nản sự đời hơn.
Nghỉ hè năm đó, nàng có nhận được thư của Hạnh. Bức thư viết thật dài.
Thì ra, Hạnh vì bịnh lao mà phải bỏ dở cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài…
Chàng giãi bày hoàn cảnh nào phải lấy vợ và bội ước với nàng. Hạnh chỉ xin Thanh xem mình như một bạn cũ…
Thanh còn nhớ rõ lý do vì sao Hạnh cưới vợ! Nó giản dị hơn nàng tưởng tượng nhiều lắm.
Hạnh đau quá nặng, tưởng đâu đã chết! May nhờ sự săn sóc hết tình của Hương mà chàng thoát qua cơn bịnh ngặt nghèo. Chàng cưới Hương vì nghĩa nhiều hơn vì tình!
Bức thư của Hạnh đã an ủi Thanh rất nhiều! Nàng có cớ để mà tha thứ cho người yêu.
Dù có oán ghét Hạnh cho đến thế mấy, nàng cũng không thể dối lòng mình là hết yêu chàng.
Nàng chỉ còn cố quên thôi, chớ trách cứ người xưa làm gì nữa?
Một chuyến về quê, nàng tìm cách tới thăm Hạnh và gia đình. Thanh xót xa lắm khi thấy Hạnh gầy còm, già cỗi đi, không còn dáng dấp nhanh nhẹn như trước kia…
Hương thì đen đúa làm vườn làm tược, nuôi heo cúi, “thắt lưng buộc bụng” nuôi chồng. Bầy con nheo nhóc…
Gặp lại Hạnh, lần đó Thanh hoàn toàn quên hẳn mối hận lòng. Lúc ấy Yến Ngọc mới vào khoảng 8, 9 tuổi đầu.